Đây là một dự án hết sức nhân văn, xây dựng một xã hội đầy lòng nhân ái khi các bà mẹ san sẻ sữa một cách an toàn cho nhau với một niềm tin mạnh mẽ: “Mẹ có thể chỉ sinh ra một em bé, nhưng mẹ có thể nuôi sống được nhiều em bé khác”.
Nằm ôm ấp con (để vợ nghỉ ngơi) trong phòng chăm sóc Kangaroo của Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ, anh Dương Văn Đoan (ngụ tỉnh Bình Thuận) cho biết vợ anh sinh con lúc gần 27 tuần tuổi, bé trai nặng 1.150g. Vì sinh non nên bé phải cần đến máy móc, ống thở, ống truyền dịch... Vợ anh dù không có đủ sữa cho con nhưng vẫn kiên trì hàng ngày tìm cách vắt sữa cho con bú. “Bác sĩ nói sữa mẹ là tốt nhất cho con, hỗ trợ tiêu hóa và miễn dịch, sức đề kháng cho con, nên vợ tôi chịu cực khổ để dành tất cả cho con những gì tốt đẹp nhất. Mỗi lần thấy vợ cố gắng uống nước, rồi cặm cụi vắt từng giọt sữa để cho con uống, tôi thương quá. Chỉ mong có nguồn sữa mẹ để giúp con khỏe mạnh hơn. Vợ tôi giờ nguồn sữa cạn kiệt rồi, vắt không ra nữa”, anh Đoan tâm sự.
Không chỉ riêng hoàn cảnh của vợ chồng anh Đoan, tại Khoa Sơ Sinh có hàng chục trẻ sinh non nhẹ cân đang được nuôi và điều trị bằng dịch truyền. Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh, việc sử dụng sữa mẹ không đơn thuần là dinh dưỡng đối với trẻ sinh non mà còn là sự sống còn của trẻ. Nếu sử dụng sữa công thức, dễ dẫn đến tình trạng hoại tử ruột. Những trẻ sinh non mắc bệnh này phải can thiệp phẫu thuật thì khả năng sống giảm đi rất nhiều. Các bé sau đó phải chịu đựng cuộc sống với đoạn ruột ngắn đi, suy dinh dưỡng nặng do kém hấp thu, bị các biến chứng về nhiễm trùng. Rất nhiều bé được chuyển qua các bệnh viện nhi để tiếp tục nuôi dưỡng và điều trị, nhưng nhiều trường hợp không thể cứu sống. “Sử dụng sữa mẹ sẽ giúp giảm tỷ lệ viêm ruột hoại tử so với sử dụng sữa công thức. Ngoài ra, trẻ sinh non sẽ dung nạp sữa tốt hơn, giảm thời gian nuôi dưỡng bằng dịch truyền, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn vì nằm viện quá lâu, sẽ sớm được xuất viện. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Từ Dũ, hơn 70% thai phụ đến từ các tỉnh nên không có điều kiện ở lại để gửi sữa cho các bé, nên trẻ sơ sinh non tháng phải sử dụng sữa công thức”, bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh thông tin.
Bác sĩ NGUYỄN THỊ TỪ ANH: "Theo thống kê của Bệnh viện Từ Dũ, trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 6.000 - 7.000 trẻ sinh non lúc 37 tuần tuổi, đa phần là nhẹ cân cần điều trị (dưới 1,5kg). Nếu tính cả các bệnh viện sản khoa và những cơ sở y tế khác tại TPHCM, số trẻ sinh non vào khoảng 18.000 trẻ mỗi năm. Việc ra đời Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ sẽ giúp cho hàng ngàn trẻ sinh non được hưởng nguồn dinh dưỡng tốt nhất từ sữa mẹ" |
Ngày 19-3 vừa qua, mẻ sữa đầu tiên được đưa vào vận hành thử nghiệm tại Ngân hàng sữa mẹ đã đạt tiêu chuẩn vi sinh sau thanh trùng. Đến nay, ngân hàng đã vận động được 6 bà mẹ hiến tặng với hơn 30 lít sữa được thanh trùng. Chị Phạm Thị Tuyền (24 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai), người đầu tiên tặng sữa cho Ngân hàng sữa mẹ, cho biết: “Những trẻ sinh non rất cần sữa mẹ, cho nên khi em vắt đủ cho con bú, dư ra thì em tặng lại cho Ngân hàng sữa mẹ, hy vọng góp phần cứu sống các bé đồng cảnh ngộ. Em đã ở đây được 3 tuần, mỗi ngày em vắt 6 cữ, đến nay đã hiến tặng được gần 14 lít sữa. Em hiểu tâm trạng những người có con sinh non tháng, nên cảm thấy việc làm mình rất có ý nghĩa”.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, nguồn sữa hiến tặng được phân loại ngay từ khâu tiếp nhận, sau khi được lưu trữ và xử lý thành sữa mẹ thanh trùng, mới dùng được cho trẻ sinh non - vốn rất yếu ớt. “Ngân hàng sữa mẹ sử dụng các loại thiết bị chuyên dụng và đặt hàng từ nước ngoài vì không có sẵn tại Việt Nam. Ví dụ máy thanh trùng sữa từ Anh quốc, tủ đông âm sâu thể tích sâu để trữ sữa, bình sữa để đưa vào máy thanh trùng… cũng đòi hỏi các tiêu chuẩn riêng. Việc chuẩn bị cho ngân hàng sữa đòi hỏi sự đầu tư lớn và nhiều công sức”, bác sĩ Từ Anh nói.
Hiện Bệnh viện Từ Dũ ưu tiên lấy nguồn sữa hiến tặng từ các bà mẹ đang có con điều trị tại Đơn vị chăm sóc trẻ Kangaroo. Bởi sữa các bà mẹ sinh non tháng sẽ phù hợp cho các bé sinh non. Mặt khác, con của các mẹ sinh non thường sử dụng lượng sữa ít nên dễ có sữa dư. Ngoài ra, Ngân hàng sữa mẹ sẽ nhận nguồn sữa hiến tặng từ nhân viên y tế (các bà mẹ này đủ kiến thức để đảm bảo vô khuẩn khi vắt sữa) và nguồn sữa từ các bà mẹ ở cộng đồng. Bệnh viện Từ Dũ cũng bố trí phòng tiếp nhận nguồn sữa tặng ngay từ cổng vào bệnh viện, nơi các thai phụ có thể dễ dàng nhận biết.
Theo thạc sĩ hộ sinh Lê Quỳnh Trang Đài, điều phối viên Ngân hàng sữa mẹ, để tiếp nhận các nguồn sữa hiến tặng, Bệnh viện Từ Dũ tổ chức khoảng 100 tình nguyện viên đến nhận sữa tại nhà các bà mẹ. Nguồn hiến tặng sữa sẽ được sàng lọc qua nhiều bước, như phỏng vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại, rà soát hồ sơ bệnh án hoặc qua lấy mẫu máu xét nghiệm. Ngân hàng sữa mẹ không những cần lượng sữa lớn mà còn phải đạt chuẩn. Các tình nguyện viên phải có kiến thức nền về chăm và nuôi con bằng sữa mẹ. Yếu tố quan trọng nhất là cần đạt chuẩn về vệ sinh và kiểm soát được nhiệt độ trong quá trình lưu trữ sữa, không những là tại nhà bà mẹ tặng sữa mà còn cả trong quá trình di chuyển sữa. Sau khi hoạt động ổn định, Bệnh viện Từ Dũ kỳ vọng sẽ liên kết với các bệnh viện khác, cung cấp nguồn sữa cho các bé sinh non đang được chăm sóc điều trị ở các bệnh viện nhi cùng các bệnh viện sản khoa trên địa bàn TPHCM.