LTS: Dự thảo đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 (gọi tắt: dự thảo đề án) đề xuất tầm nhìn, mục tiêu tổng quát, nguyên tắc định hướng và tiêu chí đánh giá việc xây dựng đô thị thông minh trong mọi lĩnh vực. Dự thảo đề cập đến nhiều giải pháp về chính sách liên quan đến mô hình tổ chức điều hành, cơ chế, thu hút tài chính, truyền thông và hệ sinh thái khởi nghiệp. Ngoài ra, dự thảo đề án xây dựng khung kiến trúc công nghệ thông tin - nền tảng phát triển mọi giải pháp và đưa ra lộ trình thực hiện các giải pháp. Từ nay đến năm 2020, TPHCM xây dựng đô thị thông minh hướng đến 4 mục tiêu, gồm: đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân. Hiện tại, chính quyền TPHCM kêu gọi mọi tầng lớp đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo đề án. Đồng thời, chính quyền TP đã và đang triển khai một số công việc có lợi đối với người dân, doanh nghiệp (ứng dụng công nghệ trong cải cách hành chính; hoàn thiện phần mềm tra cứu thông tin nhà đất, giao thông, ngập nước...). Bắt đầu từ số hôm nay ra ngày thứ năm hàng tuần, Báo Sài Gòn Giải Phóng trích đăng lần lượt nhiều nội dung quan trọng trong dự thảo đề án. Mong đông đảo bạn đọc nêu ý kiến đóng góp, phản biện xung quanh nội dung dự thảo.
Lãnh đạo tiên phong tiếp cận đổi mới
So với dự thảo trước, dự thảo đề án mới nhất thể hiện rõ từng bước xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đổi mới, sáng tạo.
Theo dự thảo đề án, TPHCM sẽ chú trọng bậc nhất đến việc cung cấp dữ liệu mở trong nội dung chương trình Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. TP xem đây là một trong những giải pháp cốt lõi trong công cuộc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp. Cùng với đó, chính quyền TP có phương án đầu tư hoặc nghiên cứu triển khai cơ chế hợp tác với những đơn vị sở hữu tài sản trí tuệ (bản quyền phần mềm, dữ liệu nghiên cứu, thông tin chuyên ngành...); trở thành kênh trung gian cung cấp miễn phí tài sản trí tuệ phục vụ người dân, DN hay cộng đồng sáng tạo, khởi nghiệp.
Từ thực tế, cơ quan chức năng ban hành cơ chế đảm bảo việc cấp phép thử nghiệm các giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), khởi nghiệp có khả năng đem lại hiệu quả dễ dàng, nhanh chóng. Với chính sách này, cá nhân, tổ chức không cần trải qua nhiều khâu thủ tục, thẩm định...
Dự thảo đề án khẳnh định TPHCM đã và đang hình thành cơ chế chính sách và hành lang pháp lý tạo điều kiện cho những mô hình cộng tác, kinh doanh mới giữa chính quyền với DN, người dân. Trong đó, lĩnh vực hợp tác, trao đổi tri thức, sáng chế được đưa lên hàng đầu. Ngoài ra, chính quyền TP ủng hộ nhưng giải pháp kết nối DN với nhau nhằm chia sẻ chi phí tiếp cận sở hữu trí tuệ, công nghệ mới.
Đáng chú ý, TPHCM hoạch định một khu vực dành riêng để phát triển và thử nghiệm giải pháp sáng tạo (tương tự dự án @22 ở TP Barcelona, Tây Ban Nha).
Trong đô thị thông minh, lãnh đạo cơ quan Nhà nước là người tiên phong trong việc giáo dục và hình thành nếp văn hóa sẵn sàng tiếp cận đổi mới; khích lệ tinh thần sáng tạo. Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước tăng cường trao đổi, làm việc với công ty, tập đoàn quốc tế. Nhờ đó, sinh viên, học sinh nhiều ngành nghề có thêm cơ hội thực tập tại nhiều môi trường làm việc; qua đó học hỏi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.
Hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với đô thị thông minh cần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về giảng dạy, nghiên cứu trong trường đại học, viện nghiên cứu tại địa phương, khu công nghệ cao. Do đó, chính quyền TP ban hành cơ chế ưu đãi về thuế thu nhập, nhà ở... nhằm thu hút lực lượng lao động công nghệ cao đến xây dựng và phát triển TP.
Tích hợp thông tin thị trường lao động
Đi đôi với hệ sinh thái khởi nghiệp, TPHCM thúc đẩy hệ thống dự báo cung - cầu lao động bằng nhiều phương pháp.
Dự thảo đề án mới nhất chú trọng đến nhiều giải pháp xây dựng, mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp, cũng như dự báo nguồn nhân lực phục vụ tiến trình phát triển TP thông minh.
Đầu tiên, TP nâng cao hiệu quả dự báo nhu cầu lao động với việc xây dựng cơ sở dữ liệu về nhu cầu lao động kết nối với cơ sở dữ liệu DN và cổng thông tin điện tử. Nhà quản lý cấp tài khoản và yêu cầu DN cập nhập hoặc điều chỉnh nhu cầu tuyển dụng trên cổng thông tin.
Trong TP thông minh, công tác đào tạo nghề nhất thiết gắn liền với nhu cầu sử dụng lao động. Nhận diện rõ mối liên hệ trên, dự thảo đề án nhắc đến việc xây dựng thư viện điện tử về kỹ năng đào tạo nghề (dựa trên tiêu chuẩn quốc tế) và thực hiện khảo sát trắc nghiệm trực tuyến (dần thay thế khảo sát thủ công) với DN nhằm nắm bắt xu hướng sử dụng kỹ năng lao động.
Song song đó, trường đại học, cao đẳng, trung cấp xây dựng cơ sở dữ liệu về cựu sinh viên, học viên và nhiều kênh thông tin khảo sát trực tuyến. Qua đó, cơ sở đào tạo tìm hiểu, nắm bắt mức độ hài lòng và nhu cầu liên quan đến chất lượng giảng dạy và kỹ năng cần thiết đối với lao động trẻ ở thị trường lao động.
Về dự báo nguồn cung lao động, dự thảo đề án đẩy mạnh và hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư, tạm trú, lưu trú. Trên cơ sở đó, TP xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn cung lao động. Chính quyền TP yêu cầu UBND phường, xã rà soát và cập nhập tình trạng nghề nghiệp của dân cư ở địa bàn vào công cụ phần mềm trên cổng thông tin điện tử. Cơ quan có thẩm quyền xác định ngành nghề mũi nhọn, cần lao động chất lượng cao; tổ chức kết nối dữ liệu chứng chỉ hành nghề từ mọi lĩnh vực.
Hệ thống cơ sở dữ liệu liên kết với các tổ chức đào tạo để nắm bắt, thống kê số lượng sinh viên, học viên theo niên học, ngành nghề, bằng cấp...
Bên cạnh đó, đô thị thông minh còn nâng cấp, mở rộng phần mềm quản lý, thực hiện đánh giá năng lực trực tuyến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. TP mở rộng hình thức học trực tuyến, sách giáo khoa điện tử, lớp học tương tác sử dụng thiết bị thông minh...
(Trích dự thảo đề án)