Nguồn năng lượng của tương lai


Các nhà khoa học Trường Đại học Bách khoa Tomsk (TPU) của Nga đã phát triển chiến lược quản lý chất thải công nghiệp và đô thị bằng cách đốt chúng như một phần của nhiên liệu hỗn hợp.
Nhà máy nhiệt điện dùng than gây ô nhiễm môi trường
Nhà máy nhiệt điện dùng than gây ô nhiễm môi trường

Loại nhiên liệu này là nguồn năng lượng đầy hứa hẹn cho các nhà máy nhiệt điện để thay thế than trong quá trình sản xuất điện năng và nhiệt năng. Nhiên liệu hỗn hợp có thể có những thành phần khác nhau (các loại than chất lượng thấp, chất thải rắn đô thị dễ cháy, dầu thải, nước thải, sinh khối).

Ưu điểm của nhiên liệu hỗn hợp so với than là chi phí thấp và giảm lượng phát thải khí SO2 và NO2 vào khí quyển gây ô nhiễm môi trường. Theo Phó giáo sư Dmitry Glushkov (Trường nghiên cứu vật lý năng lượng cao thuộc TPU), để phục vụ nghiên cứu công nghệ đốt nhiên liệu hỗn hợp, các nhà khoa học đã chuyển đổi 3 nhà máy nhiệt điện đốt than ở Tomsk, Novosibirsk và Kemerovo sang sử dụng chất thải công nghiệp và đô thị dễ cháy (bằng cách đốt nhiên liệu hỗn hợp tại các nhà máy nhiệt điện). Chi phí tiết kiệm ước tính lên tới 6,9 tỷ USD, tương đương 78% chi phí của 3 nhà máy nhiệt điện đốt than hoạt động trong 25 năm.

Trong khi đó, việc bổ sung chất thải rắn đô thị vào nhiên liệu hỗn hợp sẽ làm giảm tốc độ gia tăng diện tích các bãi chôn lấp và ngăn chặn việc giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp bởi khối lượng chất thải rắn đô thị ở Nga là hàng triệu tấn mỗi năm. Ông Glushkov cho hay để phát triển hơn nữa công nghệ này và ứng dụng vào thực tế cần giải quyết một số vấn đề kỹ thuật cũng như tiến hành thí nghiệm toàn diện tại các cơ sở nhiệt điện. 

Tin cùng chuyên mục