Đây là yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tổng Bí thư kỳ vọng, việc đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, đặc biệt là sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, sẽ bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo ra nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Tuy nhiên, đất đai là lĩnh vực rất rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Có lẽ chính vì thế, với tinh thần thận trọng rất cao, việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai được cân nhắc rất kỹ và đã có tới 4 lần điều chỉnh thời điểm trình ra Quốc hội.
Trong gần 10 năm qua, tài nguyên đất đã được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả hơn, trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển đất nước. Quyền và nghĩa vụ của chủ thể sử dụng đất được phân định rõ hơn; bước đầu hình thành khung pháp lý cơ bản để thị trường bất động sản vận hành. Tỷ lệ “phủ” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đạt 97,3%... Mặc dù vậy, nguồn lực về đất đai phát huy chưa đúng tiềm năng. Tình trạng sử dụng đất lãng phí, hiệu quả thấp; sự bất bình đẳng trong tiếp cận quyền sử dụng đất vẫn nhức nhối. Vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Chính sách điều tiết giá trị tăng thêm từ đất chưa bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân. Nhiều vụ án tham nhũng, lãng phí lớn liên quan đến đất đai…
Thế nhưng, để sửa đổi toàn diện Luật Đất đai nói riêng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai nói chung, cần phân định rất rõ đâu là vướng mắc trong hệ thống thể chế pháp luật; đâu là những trở ngại phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu những câu hỏi rất xác đáng: “Đâu là nguyên nhân thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết và bất cập của Luật Đất đai năm 2013? Đâu là do các quy định dưới luật còn bất cập; có quá nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn? Và đâu là do việc tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước; do nhận thức chưa đầy đủ và ý thức chấp hành luật pháp chưa nghiêm?”.
Lấy ví dụ trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Theo quy định hiện hành, Nhà nước chỉ thu hồi những dự án công cộng còn các dự án khác, nhà đầu tư và người dân tự thỏa thuận. Sau nhiều lần sửa đổi pháp luật, Luật Đất đai năm 2013 đã chấp nhận “giá đất theo giá thị trường” nhưng đến nay giá đất do Nhà nước quy định vẫn chưa ngang bằng giá thị trường. Điều này vừa gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong thỏa thuận dự án, mặt khác cũng tạo ra bất bình đẳng vì các dự án được đầu tư sinh lợi, được đền bù với giá cao hơn các dự án thu hồi đất với mục đích công cộng. Việc sửa đổi Luật Đất đai (và các văn bản hướng dẫn) tới đây phải gỡ cho được nút thắt này.
Bên cạnh đó, một số địa phương chuyển “đất vàng” công sản thành đất tư nhân sử dụng không thông qua đấu giá, không xác định đúng giá trị, thậm chí không đúng quy hoạch, gây thất thoát, lãng phí. Nhiều dự án đã được cấp phép nhưng lại không triển khai, một số do chậm được bàn giao đất hoặc không được phê duyệt quy hoạch. Số khác lại do nhà đầu tư không có thực lực, chỉ “găm” đất chờ thời cơ sang lại kiếm lời. Để ngăn chặn những tiêu cực trong quản lý sử dụng đất đai, không chỉ cần có một hệ thống pháp luật đất đai rõ ràng, khoa học; mà còn phải có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả để bảo đảm thực thi nghiêm túc.
Trước thềm kỳ họp thứ 4 của Quốc hội dự kiến khai mạc trong tháng 5 này, toàn xã hội đều mong muốn có được những kết luận cụ thể đưa ra sau Hội nghị Trung ương lần thứ 5. Đó là tiền đề quan trọng cho việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai mà cả Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng hơn một lần khẳng định rằng, thực tiễn cuộc sống “không thể chờ đợi lâu hơn được nữa”.