Trước thông tin một số cây xăng tại TP Hà Nội khan hiếm và hết xăng A95, sáng 27-3, phóng viên Báo SGGP đã khảo sát một số cây xăng ở các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy… Qua đó cho thấy, thông tin thiếu xăng A95 chỉ xảy ra ở một số cây xăng nhỏ, lẻ trong khi các cây xăng lớn của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) không thiếu xăng A95.
Dù vậy, cùng ngày, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Sở Công thương Hà Nội đã thị sát, kiểm tra tại các cây xăng có biểu hiện “găm hàng”, treo biển hoặc dán giấy thông báo “hết xăng RON95”, “tạm dừng bán xăng A95” hoặc “máy bơm hỏng”… đồng thời xem xét xử lý nghiêm các thương nhân có hành vi vi phạm các quy định về kinh doanh xăng dầu.
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, hiện tượng một số cửa hàng kinh doanh, cung ứng xăng dầu trên địa bàn Hà Nội thông báo hết xăng A95 chỉ là gián đoạn tạm thời. Hiện nay nguồn cung xăng A95 không thiếu nhưng do thời gian qua tại Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) xảy ra sự cố gây gián đoạn tại phân xưởng sản xuất xăng A95 trong 1 tuần, ảnh hưởng đến nguồn cung ứng xăng A95. Tuy nhiên, nguồn dự trữ xăng A92 để pha chế xăng sinh học E5 vẫn bình thường. Trong thời gian Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn bị gián đoạn sản xuất, Bộ Công thương đã họp với các thương nhân đầu mối bàn phương án nhập khẩu xăng để bổ sung cho nguồn thiếu hụt trong nước và Bộ Công thương cũng đã báo cáo Chính phủ về vấn đề này. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của Petrolimex vẫn diễn ra bình thường.
Cùng ngày, đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết vẫn chưa nhận được phản ánh của các doanh nghiệp đầu mối về việc thiếu hụt nguồn cung trên địa bàn TPHCM, ngược lại nguồn cung xăng A95 rất dồi dào, thậm chí dư. Bộ Công thương vừa tiếp tục phát đi thông báo khẳng định nguồn cung xăng dầu trong nước hiện vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và đời sống của người dân. Trong trường hợp nguồn cung từ các nhà máy sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu, các doanh nghiệp sẽ tìm kiếm các nguồn nhập khẩu hợp lý để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Được biết, ngày 18-3, Bộ Công thương đã kìm giá xăng không tăng bằng cách chi quỹ bình ổn lên tới 2.801 đồng/lít xăng E5 RON 92; xăng RON 95 có mức xả quỹ 2.061 đồng. Việc bị kìm giữ không cho tăng giá, đồng thời xả mạnh quỹ bình ổn đã khiến doanh nghiệp đầu mối lo lắng bị thiệt hại, giảm lợi nhuận, nên “ém hàng”, chỉ phân bổ nhỏ giọt cho các đại lý. Trong khi đó, các đại lý ngoài việc bị hạn chế nhập kho sản lượng xăng, còn bị giảm mạnh chiết khấu nên không mặn mà bán.
Thực tế đây chỉ là chiêu thức tạo sự khan hiếm giả tạo, nhằm gây sức ép đòi tăng giá bán của một số doanh nghiệp đầu mối. Khi “yêu sách” tăng giá bán được chấp thuận, cộng với nguồn thu quỹ bình ổn 300 đồng/lít xăng khi người dân mua hàng và được để tại doanh nghiệp, sẽ chuyển lỗ thành lãi, doanh nghiệp sẽ hết ta thán.
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, để tránh tình trạng doanh nghiệp, đại lý tìm cách lách luật, cố tình găm hàng chờ giá mới, các bộ cần điều hành giá lên - xuống theo quy tắc và tín hiệu của thị trường để không gây khó khăn cho doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.