Nguồn cung giảm, giá heo tăng vọt

Từ sau tết đến nay, giá heo hơi tại các tỉnh phía Nam bất ngờ tăng mạnh và hiện neo giữ ở mức rất cao, trong khi nguồn thịt heo về các chợ đầu mối giảm dần.

Giá heo cao kỷ lục

Thông tin từ người chăn nuôi các tỉnh phía Nam, giá heo hơi bán ra ngày 17-2 dao động 72.000-75.000 đồng/kg, tăng khoảng 6.000-8.000 đồng/kg so với mức giá hồi quý 4-2024, và là mức giá cao kỷ lục trong vòng 3 năm trở lại đây. Trong đó, thương lái tại các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau và TP Cần Thơ thu mua heo hơi ở mức 73.000 đồng/kg; tại các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, Long An, Vĩnh Long và Hậu Giang, giá heo hơi khoảng 72.000 đồng/kg. Riêng tại Đồng Nai, thương lái đang mua heo hơi với mức rất cao, đạt 75.000 đồng/kg.

Giá heo hơi tăng khiến giá bán thịt heo ra thị trường cũng tăng. Thông tin từ chợ đầu mối Hóc Môn (TPHCM), ngày 17-2, giá bán sỉ thịt heo tại chợ dao động từ 90.000-95.000 đồng/kg (tùy loại), thịt cốt lết 93.000 đồng/kg, giò 68.000-78.000 đồng/kg, nạc dăm 123.000 đồng/kg… Trong khi đó, giá bán lẻ thịt heo được tiểu thương tại các chợ truyền thống ở TPHCM điều chỉnh tăng 15.000-20.000 đồng/kg so với trước tết.

Bà Lê Thị Lý, tiểu thương chợ Gò Vấp nói: “Do nhu cầu tiêu thụ thấp sau tết nên người bán thịt, cá như chúng tôi không muốn tăng giá; nhưng giờ giá thịt heo nhập vào tăng nên bán ra cũng phải tăng, chứ không là lỗ vốn”.

R5b.jpg
Một cơ sở chăn nuôi heo ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất (Đồng Nai). Ảnh: ĐỨC TRUNG

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhận định, giá heo hơi tăng do dịch tả châu Phi vào cuối năm 2024 đã ảnh hưởng đến đàn heo. Dịch bệnh khiến cho các trang trại, doanh nghiệp (DN) chăn nuôi bán heo sớm để không bị ảnh hưởng, lây lan. Heo bán sớm, trọng lượng giảm, số lượng giảm đã ảnh hưởng đến sản lượng cung ứng trên thị trường.

Tại chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền (quận 8, TPHCM), thông thường mỗi ngày tiêu thụ khoảng 7.000 con heo, nhưng hiện nay số lượng heo về giảm, chỉ còn khoảng 3.000-3.500 con. Tuy sản lượng heo thời điểm này giảm so với cùng kỳ năm 2024 và các năm trước đó, nhưng dự báo sẽ không kéo dài.

Khi giá heo tốt, người chăn nuôi, nhất là các trang trại, DN sẽ đẩy nhanh tái đàn, thời gian tới đàn heo sẽ phục hồi. Cùng với đó, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh để đàn heo an toàn cũng đang được các DN, trang trại tích cực thực hiện.

Lãnh đạo Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam cho rằng, rủi ro nhất hiện tại là giá heo trong nước đang có độ chênh khá lớn với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia… (ở mức 13.000 - 14.000 đồng/kg), làm tăng rủi ro nhập lậu.

Từ ngày 1-1-2025, Luật Chăn nuôi có hiệu lực, quy định các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, và khu dân cư sẽ buộc phải di dời. Điều này cũng ảnh hưởng đến nguồn cung.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai (địa phương có đàn heo lớn nhất cả nước), đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có gần 2.000 cơ sở đã ngưng chăn nuôi hoặc di dời theo lộ trình được yêu cầu của ngành chức năng. Tổng số cơ sở ngừng hoạt động là 1.971, còn lại một số ít cơ sở di dời từ khu dân cư vào các khu vực vườn, rẫy để tiếp tục chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình.

Ngành chăn nuôi lãi lớn

Giá heo hơi tăng không chỉ người nông dân có lãi mà cổ phiếu của các DN chăn nuôi heo niêm yết trên sàn chứng khoán cũng tăng mạnh. Kết thúc phiên giao dịch gần nhất (14-2), cổ phiếu MML của Công ty CP Masan MeatLife tăng tới 7,25%, lên 35.000 đồng/cổ phiếu. So với tuần qua, cổ phiếu này tăng gần 9%, so với đầu tháng 2-2025 đã tăng hơn 34%.

Cổ phiếu DBC của Công ty CP tập đoàn Dabaco Việt Nam tăng hơn 4,5% trong tuần qua và hơn 8% so với đầu tháng (hiện giá 27.450 đồng/cổ phiếu). Cổ phiếu BAF của Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam cũng tăng gần 5% trong tuần qua và gần 6% so với đầu tháng 2 (mức 29.200 đồng/cổ phiếu)…

Trong báo cáo tài chính mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, các cổ phiếu chăn nuôi sẽ tốt lên khi giá heo dự báo tiếp tục tăng do nguồn cung sụt giảm. Thêm nữa, giá ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi đang có dấu hiệu tăng.

Nhận thấy tín hiệu tốt từ thị trường, các DN có lợi thế về quỹ đất dự kiến mở rộng cơ sở chăn nuôi. BAF dự kiến nửa đầu năm nay sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động nhiều trang trại, với gần 20.000 heo nái và 162.000 heo thịt. Ngoài ra, BAF cũng ký kết hợp tác với Tập đoàn Muyuan để triển khai nuôi heo trong trại 6 tầng, vận dụng kỹ thuật chăn nuôi hiện đại để nâng cao năng suất và giảm thiểu chi phí.

Còn Dabaco thì dự kiến vaccine của công ty sẽ được thương mại hóa vào đầu năm 2025, đóng góp tích cực vào doanh thu của DN này. Năm 2026 và 2027, Dabaco cũng dự kiến sẽ hoàn thiện thêm trang trại heo ở Quảng Ninh, Thái Nguyên và Thanh Hóa, quy mô từ 3.000-5.000 con heo nái, 50.000-70.000 con heo thịt.

Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế nhận định, giá heo hơi sẽ ở mức cao cho đến giữa năm 2025, trước khi giảm nhẹ và duy trì trong năm 2026, lúc đó nguồn cung dần ổn định trở lại.

Ông DƯƠNG TẤT THẮNG - Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN-PTNT):

Thiếu hụt nguồn cung cục bộ

Với tổng đàn đang có trong cả nước, việc thiếu hụt nguồn cung thịt heo chỉ là hiện tượng cục bộ, do trước, trong và sau tết, nhu cầu sử dụng thịt của người dân tăng 15%-20%. Đặc biệt, từ thành thị đến thôn quê, gia đình nào cũng tích trữ đầy thịt trong tủ lạnh. Thời điểm đó, giá heo hơi xuất chuồng tăng và neo ở mức cao. Từ đó, DN và hộ chăn nuôi heo xuất bán sớm để chốt lời, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Với các yếu tố này, dẫn đến tổng đàn đã giảm như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục