Mắt biếc đã tạo nên một cái kết thật đẹp cho điện ảnh Việt trong năm 2019. Từ trang sách bước lên màn ảnh rộng, ê kíp làm phim đã tái hiện nên một tác phẩm đầy nhân văn và nên thơ. Những khán giả như chúng tôi, có thể không sinh ra hay lớn lên ở Đo Đo, nhưng đã thực sự được bước vào khung cảnh làng quê ấy để sống với nó, thay vì chỉ chứng kiến những khung hình lướt qua trên màn ảnh rộng.
Là người đã đọc tiểu thuyết Mắt biếc trước khi xem bộ phim, tôi thực sự thích thú với những chi tiết mới được cài cắm trong phim. Thương cho cô Hồng, nửa đời người theo Ngạn từ trường trung học về quê nghèo Đo Đo nhưng rồi cuối cùng đã phải chọn cách tự “giải thoát” cho mình khỏi mắc kẹt nơi chốn ấy. Và mọi thứ như vỡ òa nức nở theo bước chân Hà Lan chạy trên sân ga và khuôn mặt Ngạn với những giọt nước mắt lăn dài. Những giọt nước mắt ấy ứ đọng, đong đầy từ quá khứ. Nó trào ra như một lẽ tất yếu.
Mắt biếc là tác phẩm tiếp theo của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể lên màn ảnh rộng sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Cô gái đến từ hôm qua. Những truyện dài, tiểu thuyết của ông hiện vẫn đang được rất nhiều nhà làm phim yêu thích và chuyển thể thành phim. Dù được đánh giá là rất khó chuyển thể, nhưng nhờ những câu chuyện đầy cảm xúc, dung dị nên hầu hết những bộ phim được làm từ truyện của ông đều được đánh giá cao và được chúng tôi yêu thích.
Có một thực tế hiện nay, khi theo dõi trên báo chí sẽ thấy rất nhiều nhà sản xuất than thở thiếu kịch bản chất lượng để làm phim. Tôi tự đặt câu hỏi, kho tàng các tác phẩm văn học của Việt Nam không thiếu những tác phẩm kinh điển, đó chẳng phải chất liệu tuyệt vời hay sao?
Chúng ta từng có những: Làng Vũ Đại ngày ấy, Vợ chồng A Phủ, Bến không chồng… nức tiếng với khán giả ái mộ điện ảnh. Hay thời gian gần đây hơn, hàng loạt bộ phim: Chuyện của Pao, Mùa len trâu, Trăng nơi đáy giếng, Cánh đồng bất tận, Bức huyết thư: Thiên mệnh anh hùng, Hương Ga, Quyên… đều có xuất phát điểm là từ những tác phẩm văn học. Có thể thành công hay chưa thành công về doanh thu, nhưng hầu hết những bộ phim ấy đều được đánh giá cao, thậm chí giành nhiều giải thưởng khi tham gia các liên hoan phim quốc tế, tạo tiếng vang cho điện ảnh Việt.
Một điểm dễ nhận thấy là hầu hết những tác phẩm văn học đều mang đậm hơi thở cuộc sống, hơi thở thời đại với những bài học về ý nghĩa nhân sinh. Bằng lợi thế đó, khi chuyển thể thành phim, các tác phẩm sẽ tạo nên sườn kịch bản chắc chắn và logic với đủ các tình tiết, cao trào để hấp dẫn khán giả.
Hiện nay, một năm mới chỉ có vài tác phẩm văn học được chuyển thể thành phim. Trong khi đó, nhiều nhà làm phim chạy theo xu hướng làm lại phim nước ngoài hoặc sáng tác những kịch bản mới theo dạng “vô thưởng vô phạt”. Tôi cứ băn khoăn, tại sao họ không mạnh dạn chuyển thể thêm nhiều hơn nữa các tác phẩm văn học. Có hay chăng họ sợ sự so sánh, hay sợ mình không đủ sức để vượt qua thành công của tác phẩm gốc?
Hy vọng, với thành công của Mắt biếc, các nhà làm phim sẽ có thêm niềm tin, sự mạnh dạn. Và, với những khán giả yêu điện ảnh, sẽ có nhiều hơn nữa những bộ phim chất lượng.