Điền kinh - ngôi nhà hạnh phúc
HLV Hồ Thị Từ Tâm, người thầy của các nhà vô địch cự ly trung bình suốt gần 20 năm qua như Lê Văn Dương, Nguyễn Đình Cương, Dương Văn Thái, Đỗ Thị Bông, Trương Thanh Hằng, Đỗ Thị Thảo… từng nói một câu bất hủ: “Điền kinh Việt Nam là một ngôi nhà hạnh phúc”, để nói lên rằng cái tập thể bao gồm hàng chục VĐV nối tiếp qua nhiều thế hệ luôn gắn bó, đoàn kết và thương yêu lẫn nhau. “VĐV điền kinh đa phần xuất thân từ gian khó, cho nên các cháu ai cũng nuôi dưỡng một khát vọng vươn lên. Chúng nó ý chí lắm”, HLV Từ Tâm tâm sự.
Từ “ngôi nhà hạnh phúc ấy”, rất nhiều nhà vô địch SEA Games, Asiad đã xuất hiện, làm rạng danh điền kinh nước nhà. Còn hơn thế, trải qua nhiều tháng năm, những Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Linh Na, Lê Tú Chinh, Ngần Ngọc Nghĩa, Nguyễn Tiến Trọng… đã tạo nên cảm xúc rất đặc biệt, lan tỏa tinh thần thi đấu kiên cường, không lùi bước vốn là phẩm chất của thể thao Việt Nam trong mỗi lần “đem chuông đi đánh xứ người”.
Trước khi đến SEA Games 32, điền kinh Việt Nam được dự báo sẽ gặp vô vàn khó khăn trong nhiệm vụ bảo vệ vị thế số 1 khu vực, nhất là sau khi có ít nhất 4 nhà vô địch phải ngậm ngùi làm khán giả sau nghi án doping. Thế nhưng, có những ngôi sao đã vụt sáng lên, rạng rỡ và ngọt ngào, che phủ đi tất cả và dâng trào cảm xúc kiêu hãnh trong lòng mỗi người con Việt Nam trên đất bạn Campuchia. Họ là Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Linh Na, Nguyễn Tiến Trọng, Huỳnh Thị Mỹ Tiên… những chàng trai, cô gái vàng của điền kinh Việt Nam đã khuấy động bầu không khí vốn trầm mặc của Khu liên hợp thể thao Morodok Techo.
Cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Thị Oanh vẫn được các đồng nghiệp gọi là “Ốc tiêu”, là “Ỉn Oanh” đã chạy bằng cả trái tim, bằng lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và bằng ý chí vươn lên của một VĐV chuyên nghiệp, xuất sắc đem về cho đội tuyển điền kinh 4 tấm HCV. Oanh là thế, chẳng bao giờ lùi bước trước gian nan. Cô từng đối diện với khó khăn còn lớn hơn thử thách của đường đua, là căn bệnh viêm cầu thận quái ác, khiến cơ thể cô phù nề, mệt mỏi, các bác sĩ thậm chí đã khuyên cô nên từ giã sự nghiệp điền kinh khi ở tuổi 19 đẹp đẽ. Cho nên, khi đã chiến thắng bệnh tật để trở lại với điền kinh, chiến thắng trên đường đua đối với Oanh trở nên thật dễ dàng và luôn ngọt ngào.
Bên cạnh Oanh là Nguyễn Thị Huyền, nhà vô địch cũng vừa ghi tên mình vào lịch sử của SEA Games và điền kinh Việt Nam khi giành đến 12 HCV trong sự nghiệp. Huyền cũng là một biểu tượng nữa cho nghị lực sống mà các thành viên trong đội tuyển điền kinh Việt Nam đều thương mến.
“Có những quãng thời gian thật khó khăn trong đời, khiến con người ta xao động. Nhưng tôi không dừng lại. Tôi sinh con rồi tập luyện trở lại. Tôi luôn đặt cho mình những mục tiêu rõ ràng, đó là thi đấu và chiến thắng, ở bất cứ sân chơi nào tôi có thể tham dự được”, bà mẹ một con Nguyễn Thị Huyền thổ lộ, ngay sau khi cô trở thành VĐV điền kinh Việt Nam giành được nhiều HCV nhất trong lịch sử SEA Games, hôm 12-5 ở Phnom Penh.
Nếu ai dõi theo cô gái đầy bản lĩnh này, sẽ biết được ý chí của Huyền mạnh mẽ đến dường nào. Cô từng bị cản bước lên đội tuyển, có khi phải nhận “vé vớt” mới được đi thi đấu ở SEA Games, chỉ vì lãnh đạo bộ môn điền kinh quốc gia không hài lòng do cô “cứng đầu và khó bảo”. Nhà vô địch sinh năm 1993 luôn trăn trở với gia đình, đau đáu với người mẹ già quanh năm ốm đau và một người chị khiếm khuyết về tinh thần, không thể tự lo cho bản thân. Vì thế, cô buộc phải trở thành trụ cột của gia đình từ tấm bé, khi sớm vắng bóng người cha. Huyền là chỗ dựa tinh thần, là chủ lực về kinh tế của gia đình, vậy nên, cứ nhìn nụ cười rạng rỡ của cô sau mỗi chiến thắng ở đấu trường SEA Games thế thôi, chứ trong sâu thẳm lòng mình, Huyền vẫn canh cánh nhiều điều…
Chưa hết, “ngôi nhà” điền kinh còn ghi nhận trái tim nhiệt huyết của cô trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Linh Na, nhà vô địch nội dung khó nhằn bậc nhất là 7 môn phối hợp nữ, và người đã quyết định hoãn lại đám cưới với bạn trai hồi tháng 3 để tập trung hết tâm sức cho chiến dịch bảo vệ danh hiệu cô đang nắm giữ.
Tấm HCV tại SEA Games 32, nói như Linh Na, chính là món quà ra mắt nhà chồng trọn vẹn và không thể ngọt ngào hơn sau khi cô về nước để tổ chức đám cưới. Thầy của Linh Na, HLV Vũ Văn Huyện thừa hiểu để chiến thắng ở nội dung 7 môn phối hợp, VĐV phải kiên trì và rèn luyện sức chịu đựng lớn đến dường nào. Anh từng nổi tiếng là “người không phổi” ở nội dung 10 môn phối hợp, từng vô địch SEA Games, từng là VĐV đầu tiên của Việt Nam giành HCĐ 10 môn phối hợp ở Asiad tại Quảng Châu 2010, nên có lẽ, khi truyền đạt kinh nghiệm và kỹ năng thực chiến trên đường đua cần sự dẻo dai và sự kiên cường, anh giúp học trò dễ “thấm” vào tâm trí hơn. Mới đây thôi, hồi năm 2020, Linh Na từng vật lộn với chấn thương áp xe cơ đùi, bị hoại tử cơ đùi sau và buộc phải phẫu thuật. Đấy là lúc mà theo cô, sự tuyệt vọng dâng lên đỉnh điểm. Nhưng, nghị lực và khát vọng được cống hiến cho điền kinh đã giúp cô gái người Hòa Bình vượt qua tất cả, để giờ đây, trở thành nhà vô địch tuyệt đối của 2 kỳ SEA Games liên tiếp.
Kiêu hãnh những chàng trai đất Việt
Nếu vén áo của những chàng trai ở đội tuyển Thể dục dụng cụ (TDDC) lên, hoặc lật giở miếng băng tay của họ, thì sẽ thấy những vết chai sần, tím bầm sau nhiều lần té ngã, rồi cả vết khâu vì rách da do trượt khỏi vòng treo, xà đơn hay ngựa tay quay… Tất cả những điều đó, cùng khối lượng luyện tập khủng khiếp hàng ngày, đã tôi luyện nên những Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng, Nguyễn Văn Khánh Phong, Xuân Thiện… kiên cường, dạn dĩ trên sàn đấu, mang về cho môn thể thao gian khó này nhiều thành tích ấn tượng.
Các chàng trai TDDC Việt Nam chiến thắng tại SEA Games 32 |
Trong mắt của những đồng nghiệp Đông Nam Á, TDDC Việt Nam là tập thể xuất sắc, vượt trội ở nhiều điểm, và quan trọng là khát vọng chiến thắng được tiếp nối qua nhiều thế hệ nhờ những “chiến binh” thực thụ. Ấy vậy mà, đối với Lê Thanh Tùng - nhà vô địch SEA Games và World Cup nội dung nhảy chống - đấy là... chuyện nhỏ: “Chúng tôi làm quen với những điều đó từ năm 4-5 tuổi rồi, nên có té ngã thêm nhiều lần nữa cũng đâu có sao. Chỉ cố gắng đừng té ngã khi đang thi đấu cho TDDC Việt Nam mà thôi”. 4-5 tuổi đã bắt đầu làm quen với một trong những môn thể thao khó bậc nhất như TDDC, Thanh Tùng hay Phương Thành và nhiều thế hệ đàn anh nữa, phải chấp nhận cuộc sống xa gia đình, xa quê hương.
Làm bạn với họ là những vòng treo, xà kép vô tri, là những cú santo và động tác ép dẻo có khi đau đến thấu xương. Chấn thương dây chằng chéo, bong gân, lật cổ chân… ở độ tuổi 10-13 đối với họ giống như… cơm bữa. Uống thuốc giảm đau trước khi thi đấu, để có thể vượt qua những thử thách khắc nghiệt nhất của các bài thi, đối với họ là quen thuộc, dù điều đó, như thổ lộ của Đinh Phương Thành, về sau sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân. Nhưng, một khi đã chấp nhận lao vào khổ luyện và thành tài, những chàng trai ấy lại trở thành chỗ dựa cho nền TDDC Việt Nam vốn có truyền thống hào hùng, gây tiếng vang ở khắp các sân chơi khu vực, châu Á và thế giới. Thế hệ Thanh Tùng, Phương Thành, Vĩ Văn, Khánh Phong chỉ đang tiếp nối thật tốt những thành quả mà các đàn anh, đàn chị Trương Minh Sang, Phạm Phước Hưng, Đặng Nam, Đỗ Ngân Thương, Phan Thị Hà Thanh… từng gầy dựng trước đây.
Xuất phát điểm bị đánh giá là khó khăn, nhưng đội tuyển TDDC vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giành 4 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ trước sự cạnh tranh khốc liệt của đoàn Philippines, đang sở hữu nhà vô địch thế giới Carlos Yulo. Ông Bùi Trung Thiện, lãnh đội TDDC, tiết lộ rằng, hầu hết các tuyển thủ Việt Nam những ngày qua vẫn đang vật lộn với chấn thương, các thầy đã tìm mọi giải pháp để có thể bước vào sân thi đấu. Nhưng trên gương mặt của mỗi người, chỉ thấy nét tươi vui và rạng rỡ, chẳng có vẻ gì là chịu đựng đớn đau cả. Khi thấu hiểu được điều đó, càng thấy trân trọng những sự hy sinh và đóng góp của các chàng trai TDDC cho thể thao nước nhà.