Người Xê Đăng giữ rừng trồng sâm

Nhiều năm nay, do thấy sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng có giá trị lớn, người Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum) xem rừng là báu vật ra sức gìn giữ, bảo vệ. Nhiều nơi dân làng có hương ước: nếu ai phá rừng, nhẹ không cho trồng sâm, nặng đuổi khỏi làng. Nhờ thế, những cánh rừng được khoanh nuôi để trồng sâm đều xanh tươi.
Một hộ dân trên huyện Tu Mơ Rông trồng sâm dưới tán rừng
Một hộ dân trên huyện Tu Mơ Rông trồng sâm dưới tán rừng
Muốn đổi đời, phải giữ rừng

Đi dọc con đường độc đạo dẫn lên đỉnh Ngọc Linh (đoạn qua 2 xã Tê Xăng và Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), chúng tôi bắt gặp những ngôi làng của người Xê Đăng mọc san sát. Bao bọc những ngôi làng này là những quả núi xanh ngắt, cây rừng rậm rạp, cảm giác như chạy từ đầu đến cuối chân trời. Khi di chuyển đến núi Vàng Pót (thôn Long Hi, xã Măng Ri), gặp một tốp người đang từ trong núi đi về làng, chúng tôi hỏi chuyện ông A Bar (thôn Long Hi) vừa từ khu trồng sâm ra và đang chuẩn bị đi sang những quả đồi khác để tuần tra, bảo vệ rừng, ông nói: “Lúc này đang mùa mưa, sợ kẻ xấu ở đâu đến cưa gỗ nên tranh thủ đảo qua các núi xem sao”. Chẳng ai trả công thuê ông A Bar tuần tra rừng, mà là chính ông ý thức về giá trị của rừng mang lại nên tự giác gìn giữ. 

“Thú thật là hồi xưa mình cũng có vào rừng cắt gỗ về làm nhà, rồi cũng có phát rẫy trồng cây mưu sinh. Nhưng đó là chuyện xưa, còn 5-6 năm nay, khi ngành chức năng xác định rừng khu vực mình ở thích hợp trồng sâm Ngọc Linh thì chẳng dại mà phá”, ông A Bar kể. Chỉ tay vào đỉnh núi Vàng Pót, ông A Bar cho biết thêm, năm 2017, gia đình ông mua 100 gốc sâm, trồng dưới tán rừng, dự kiến chừng 6 năm là có thể thu hoạch khoảng 2kg, giá mỗi ký tính bèo lắm cũng 100 triệu đồng. Đó là chưa kể khi trồng vài năm, những cây sâm này sẽ cho hạt và gia đình sẽ lấy ươm rồi tiếp tục trồng thì lúc ấy, nguồn sâm sẽ nhiều lên, cuộc sống sẽ đổi đời. 

Hỏi ông A Buôn (thôn Long Hi, xã Măng Ri) có chỗ nào bán gỗ, ông hất hàm nói: “Có câu rừng vàng, biển bạc, nhưng ở đây, rừng quý hơn cả vàng vì trồng được sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Dân đang kỳ vọng rừng giúp cuộc sống đổi đời, chả ai phá rừng. Vì thế, muốn mua gỗ thì về xuôi mà mua, ở đây bó tay thôi”. Ông A Buôn cũng chỉ tay về ngọn núi Vàng Pót xanh tốt và nói: “Ở đó có khoảng 80 hộ trồng sâm Ngọc Linh, gia đình mình cũng là một trong số đó với hơn 100 gốc. Hộ nào trồng đều làm rào chắn, lập chòi ở để canh, người lạ vào là bị phát hiện và “dính bẫy” ngay. Vì thế, dù trên núi có nhiều loại gỗ quý, có cây to bằng 2-3 người ôm, nhưng chẳng có kẻ xấu nào dám đụng vào”. 

Chúng tôi gặp ông A Sinh - Trưởng thôn Pu Tá, xã Măng Ri đang gói 3 cây sâm giống để bán cho khách với giá 400.000 đồng/cây, số sâm này được ông ươm từ quả sâm trên rừng, ai đặt mua thì ông nhổ về bán. Ngỏ ý muốn lên xem vườn ươm, ông Sinh chỉ tay lên ngọn núi cách làng 5km và nói: “Chịu thôi. Dân làng thay nhau canh trên đó. Từng lớp hàng rào được dựng lên. Họ không muốn cho người lạ lên”. Cũng theo ông Sinh, thôn có 59 hộ và hầu hết các hộ đều trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, mỗi người dân trong thôn là một người bảo vệ rừng thực thụ. 

Cho dân thuê rừng để trồng sâm 

Theo bà Y Ai, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, xã có 486 hộ, trong đó có khoảng 226 hộ có trồng sâm Ngọc Linh trên rừng. Còn ông A Hơn, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết: Trên địa bàn huyện có 6 xã có thể trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Hiện 3 xã trồng nhiều sâm Ngọc Linh là Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây, với khoảng hơn 500 hộ trồng. Dân bán trâu, bò để mua hoặc tự ươm giống sâm… Ông A Hơn còn cho biết thêm, huyện đã có đề án phát triển sâm Ngọc Linh và đang xây dựng phương án cho thuê rừng đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư để bảo vệ, phát triển rừng, kết hợp phát triển sâm Ngọc Linh. UBND huyện cũng đã giao cho các xã phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng đề án cho thuê rừng cũng như rà soát các hộ dân có nhu cầu thuê đất rừng trồng sâm Ngọc Linh... Nếu việc cho thuê rừng được triển khai, người dân được trồng sâm dưới tán rừng và tận thu mật ong. Đổi lại, dân phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng. Tùy theo tình hình, nếu các hộ khó khăn quá thì có thể miễn hoặc giảm tiền thuê rừng. 

“Diện tích rừng trên địa bàn có thể trồng sâm hiện còn rất lớn, nằm trải dài ở 6 xã. Trong những diện tích đó, cũng có diện tích thuộc xã quản lý. Tuy nhiên ở các xã, nhân lực còn hạn chế nên việc giữ rừng rất khó. Nếu sau này đề án cho thuê rừng được triển khai, những cánh rừng này khi cho dân thuê trồng sâm, không chỉ nâng cao đời sống người dân, mà chắc chắn rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn”, ông A Hơn khẳng định.
Ngày 21-6, ông Phan Mười, Phó Giám đốc Sở GT-VT Kon Tum, cho biết, sở đã nhận được báo cáo của đơn vị được thuê quản lý, bảo dưỡng đoạn tuyến đường xuyên đỉnh Ngọc Linh (nối từ xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông sang xã Ngọc Linh, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) về tình trạng đường bị sạt lở do mưa lũ. Tuy nhiên, thực tế các điểm sạt lở mà vẫn đang đảm bảo lưu thông nên sở chỉ đạo duy trì hiện trạng chứ chưa thể khắc phục ngay. Trên cơ sở số liệu báo cáo của đơn vị quản lý đường, sở sẽ mời các đơn vị liên quan đi kiểm tra, xác định khối lượng thiệt hại, đề xuất phương án xử lý. Sau đó mới báo cáo UBND tỉnh thống nhất chủ trương sửa chữa.
HỮU PHÚC

Tin cùng chuyên mục