Đó là tâm sự của chị Nguyễn Ngọc Cẩm, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc, người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí Thị trưởng danh dự của thành phố Seoul.
Ban đầu, khi tìm đến chị Ngọc Cẩm, tôi có chút đắn đo bởi với khối lượng công việc đang đảm nhận, không biết chị có thời gian để trò chuyện hay không. Ngoài chức vụ Thị trưởng danh dự Seoul, chị còn giữ 6 chức vụ khác như Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc, Giám đốc Trung tâm thông biên dịch Việt Nam, Chủ tịch Hội Cộng đồng Việt Nam, Chủ tịch Hội Tâm đồng Hợp ý Hàn - Việt, Ủy viên Ủy ban đại diện người nước ngoài Seoul, thành viên Hội đồng quản trị của trung tâm lao động nước ngoài Seoul. Rất may, chị đã vui vẻ chia sẻ câu chuyện của mình.
Chị Cẩm luôn cố gắng hết sức hoàn thành trọng trách được chính quyền thành phố Seoul tin tưởng giao phó, để xứng đáng với niềm tin và sự mong mỏi của cộng đồng người nước ngoài tại đây. “Tôi kết hôn với chồng người Hàn Quốc, sang quê chồng và sống ở nông thôn 15 năm, rồi chuyển về Seoul sinh sống tới nay được 5 năm. Ở Seoul chưa lâu nhưng tôi luôn tâm niệm dù ở đâu, cũng phải phấn đấu hết sức vì cộng đồng”, chị Cẩm khiêm tốn chia sẻ. Vinh dự đến với chị không phải là ngẫu nhiên bởi có nhiều người nước ngoài sống ở Seoul giỏi hơn chị rất nhiều từ kiến thức chuyên sâu (như các vị giáo sư, tiến sĩ…) cho đến trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Hàn). Chức vụ Thị trưởng danh dự Seoul là sự ghi nhận những cống hiến của chị trong thời gian đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc. Trên cương vị Thị trưởng danh dự, chị Cẩm trở thành cầu nối giữa những người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Seoul với chính quyền thành phố, mang tiếng nói của họ đến gần hơn với nhà chức trách, để từ đó xây dựng một môi trường sống ngày càng hoàn thiện hơn dành cho họ. Trong hơn một năm qua, chị luôn lắng nghe những ý kiến phản ánh, đóng góp, rồi đưa ra các đề án chính sách liên quan đến người nước ngoài, quảng bá các chính sách đó… Thông qua công việc của mình, chị đã giúp đỡ cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc rất nhiều, khi bà con có vấn đề khó khăn hay thắc mắc, họ lại liên lạc trực tiếp với chị nhờ tư vấn, giúp đỡ. Nói về những khó khăn của người nhập cư và lao động Việt Nam khi tới Hàn Quốc sinh sống, học tập và làm việc, chị Cẩm cho rằng vấn đề chính là rào cản ngôn ngữ. Nhiều người Việt không thông thạo tiếng Hàn và ít hiểu biết về văn hóa, cách sống của người Hàn Quốc, dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn không đáng có. Để tránh xảy ra những thứ không mong muốn, người Việt Nam cần phải học tiếng Hàn càng sớm càng tốt, trau dồi kiến thức về phong tục tập quán cũng như cách sống của người Hàn để hiểu người bản xứ hơn, từ đó mới có thể dễ dàng thích ứng với xã hội Hàn Quốc. Sắp tới, công việc chính của chị vẫn là hỗ trợ cho người Việt Nam tại Hàn Quốc như tư vấn, giúp đỡ khi họ gặp khó khăn, tổ chức các chương trình lễ hội văn hóa, tết, giải bóng đá, thể dục thể thao gắn kết cộng đồng. Chị cũng tiếp tục vận động quyên góp để giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật cũng như các hoạt động hướng về quê hương đất nước. Mỗi độ xuân về, chị Cẩm lại nhớ tết Việt Nam đến nao lòng vì 20 năm qua, chị chưa từng được ăn tết tại quê nhà và cũng đã nhiều năm đón tết ở Hàn Quốc. Chị cũng không thể thưởng thức bánh chưng, các loại mứt - những món ăn đậm chất tết. Rồi cũng như bao người con xa xứ, chị cảm thấy được an ủi khi hòa cùng không khí đón xuân với anh chị em trong cộng đồng người Việt. Những phút giây bên nhau là nguồn động lực giúp chị Cẩm vững bước trên con đường giúp đỡ bà con người Việt hòa nhập nơi đất khách.