Món quà văn chương đầu đời
Sau 5 năm vắng bóng, giải thưởng Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TPHCM vừa quay trở lại với tập thơ Ở đậu trong nhau của Trần Đức Tín (bút danh Khét). “Với quá trình sáng tác của mình, có giải thưởng hay không thì tôi vẫn viết. Tuy nhiên, khi có giải thưởng, tôi xem đó là động lực rất lớn, là nguồn khuyến khích mình bước tiếp quãng đường. Giải thưởng là cách để khẳng định lại bước đường mình đã đi qua”, tác giả Trần Đức Tín chia sẻ.
Trước đó không lâu, giải thưởng Tác giả trẻ lần 1-2021 của Hội Nhà văn Việt Nam đã được trao cho các tác giả: Đinh Phương với tiểu thuyết Nắng Thổ Tang, Lý Hữu Lương với tập thơ Yao, Phương Đặng với tập thơ Con người, Vũ Thị Trang với tác phẩm lý luận phê bình Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật và dịch giả trẻ Nguyễn Bình với bản dịch sang tiếng Anh tác phẩm Truyện Kiều.
Năm đầu tiên tổ chức, giải thưởng Tác giả trẻ lần 1-2021 đã nhận được gần 50 tác phẩm tham dự. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng, đây là số lượng ngoài dự kiến “vì không nghĩ người trẻ lại hào hứng như vậy”.
Nói về ý nghĩa của các giải thưởng đối với các tác giả trẻ, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn TPHCM, bày tỏ: “Tôi nghĩ, không có giải thưởng, các tác giả trẻ vẫn sáng tác. Thế nhưng, có giải thưởng thì không khí văn chương của giới trẻ trở nên sôi nổi hơn. Giải thưởng dành cho tác giả trẻ giống như món quà văn chương đầu đời, thể hiện sự chào đón ân cần của giới cầm bút trước những nhân tố mới. Thịnh tình ấy chắc chắn ít nhiều cũng giúp tác giả trẻ có thêm động lực để tự tin khám phá bản thân trên con đường sáng tạo”.
Nhà văn trẻ Đinh Phương bày tỏ: “Đòi hỏi cú hích trong văn chương là rất khó, bởi mỗi người viết khi viết thường không nghĩ đến giải thưởng, tôi cũng vậy. Mình cứ viết cái mình thích, đam mê, còn việc ghi nhận hay không lại là điều khác, nó nằm ngoài khả năng của người viết”.
Tìm kiếm những tác phẩm chất lượng
Tác giả trẻ Võ Đăng Khoa (22 tuổi, sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân) nói: “Hiện tại có rất nhiều cuộc thi cũng như giải thưởng văn học với nhiều thể loại, thậm chí không giới hạn đề tài. Người trẻ thường thiếu kinh nghiệm và vốn sống. Những kiến thức thực tế sẽ là chất liệu quan trọng cho tác phẩm; cho nên, việc tổ chức các trại sáng tác cho tác giả trẻ sẽ giúp ích rất nhiều”.
Theo Võ Đăng Khoa, người viết trẻ rất cần những sân chơi về văn chương trên mạng. Mạng xã hội hiện tại rất phổ biến, gần gũi và tiện lợi. Đó là nơi hiệu quả để thực hiện việc trao đổi, chia sẻ giữa người viết và bạn đọc. Hơn ai hết, người viết trẻ rất cần những góp ý. Tham gia các nhóm văn chương mạng sẽ giúp kết nối những người yêu văn chương với nhau, giúp họ chia sẻ cảm nhận về tác phẩm cùng nhau.
Trong nỗ lực đồng hành và hỗ trợ các tác giả trẻ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết, thời gian tới, hội sẽ thành lập nhiều “vệ tinh”, là những người đọc thực sự, để quan sát trên mạng xã hội, xem và lắng nghe những người trẻ đang bàn về một tác phẩm nào đó, kể cả những tác phẩm chưa được xuất bản. “Đặc biệt, khi phát hiện những tác phẩm tốt, có chất lượng, có thể là ứng cử viên cho giải thưởng Tác giả trẻ, chúng tôi sẽ xã hội hóa để in những tác phẩm đó. Khi chưa có NXB nào đón họ thì NXB Hội Nhà văn sẽ thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam đứng ra in, quảng bá và phát hành tác phẩm”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho hay.
Ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TPHCM nhiệm kỳ trước thành lập Quỹ Văn trẻ, để hỗ trợ xuất bản tác phẩm mới cho các bạn viết trẻ gặp khó khăn. Cuối năm 2015, nhờ sự tài trợ của Quỹ Văn trẻ, hai tập thơ đầu tay của hai cây bút đã được trình làng: Nốt lặng của Ngô Thúy Nga, Quen và lạ của Trần Võ Thành Văn. Sau này, tập thơ của Ngô Thúy Nga đoạt giải Nhà văn trẻ năm 2016, còn Trần Võ Thành Văn cũng đã trở thành hội viên Hội Nhà văn TPHCM.
Đáng tiếc, Quỹ Văn trẻ sau đó đã phải dừng lại. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng, thành lập một Quỹ Văn trẻ thì đơn giản, nhưng hoạt động sao cho lâu bền lại phức tạp. Bởi vấn đề tài chính đòi hỏi phải có sự giám sát và vận hành một cách chuyên nghiệp, điều ấy gần như nằm ngoài khả năng của giới văn chương vốn mơ mộng.
“Thời gian tới, những cuộc tọa đàm về các tác phẩm đoạt giải sẽ đặt những chuyên gia, những người viết và những người phản biện đến dự, góp ý tác phẩm để các tác giả trẻ có thể thấy được tác phẩm của mình đang như thế nào, trong cách nhìn của giới chuyên môn và bạn đọc ra sao”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận định. |