Những câu chuyện tình
Quán cà phê trên Đường sách Nguyễn Văn Bình, đôi vợ chồng đã ngoài 60, ngồi trò chuyện vui vẻ. Bà Nguyễn Thị Tình (60 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) và chồng bà gần 70 tuổi, người Pháp. Nói về câu chuyện tình khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa, bà Tình nhớ lại: “Ông xã tôi hồi những năm 80 sang đây làm việc, lúc đó gặp nhau thì cảm mến, mà không biết nói gì hết trơn, tại vì đâu có rành tiếng Anh, tiếng Pháp gì”.
Vậy là hai người trẻ tìm đến ông Ngộ, người viết thư thuê ở Bưu điện thành phố, thư qua thư lại đều nhờ ông viết giúp, trong lúc cô Tình đang học thêm ngoại ngữ.
“Rồi xong công việc, ông nhà tôi về bển, mỗi lần thư từ là chạy ra đây nhờ bác Ngộ viết hết. Sau này, khi học xong, có thể dùng được tiếng Pháp, tôi mới dám viết, chứ hồi chưa rành viết, sai sợ bên kia ổng đọc rồi không hiểu”, bà Tình kể lại.
Những lá thư giấy đã ngả vàng, nhuốm màu thời gian, nhưng nét chữ vẫn còn nhìn rõ, thẳng hàng, thanh thoát. “Vợ chồng tôi cưới nhau tới giờ cũng 30 năm hơn rồi, thư từ ngày xưa còn giữ nguyên hết, bây giờ như kỷ vật vô giá. Tụi nhỏ nhà tôi, hay lớp trẻ bây giờ có đủ điện thoại, máy tính tiện lợi hơn, nhưng cảm giác viết thư tay, rồi mong chờ hồi âm thì thời buổi này khó mà tìm lại được”, bà Tình tâm sự.
Cũng là câu chuyện tình với nước Pháp xa xôi, nhưng mỗi cánh thư gửi đi không chỉ gói ghém tình yêu đôi lứa mà còn là tình cảm giữa những người trong một gia đình. Nói về câu chuyện của mình, bà Mai Lý (56 tuổi, ngụ quận 3), chia sẻ: “Vài năm đầu mới cưới, vợ chồng tôi lúc sống ở Việt Nam, lúc sống ở Pháp, tùy theo công việc của ông xã. Lúc yêu nhau thì ra đây nhờ bác Ngộ dịch thư, rồi viết thư gửi qua bển cho ổng. Cưới nhau rồi thì viết thư thăm hỏi gia đình bên chồng, mọi người quý thư tay lắm. Tới bây giờ còn giữ nguyên hết... Lâu lâu, đem ra đọc lại cho con cháu nghe”.
Và cô con gái út của bà Mai Lý, mỗi lần về thăm họ hàng, đều ghé lại Bưu điện thành phố, khi thì mua một tấm bưu thiếp, lúc là món quà lưu niệm nhỏ và không quên nhờ bác Ngộ viết giùm một lá thư tay.
“Tôi muốn trải qua những cảm xúc mà ba mẹ tôi ngày trước đã từng và mỗi lần về đây, tôi luôn ghé thăm ông, nhờ ông viết thư. Ông như một người viết nên câu chuyện tình cho ba mẹ tôi và từ đó có chúng tôi ngày hôm nay”, Jenny Diễm (23 tuổi) hóm hỉnh chia sẻ.
Để người ta yêu mến đất nước mình…
Những câu chuyện tình đẹp từ những lá thư viết thuê, khiến chúng tôi không khỏi xúc động lẫn tò mò. Ghé lại Bưu điện thành phố thật sớm, để cùng bác Dương Văn Ngộ, 90 tuổi, bắt đầu một ngày làm việc. Ông cụ 90 tuổi, vẫn hàng ngày đạp xe từ Thị Nghè đến Bưu điện thành phố, lưng khòm, tóc bạc nhưng vẫn không toát lên vẻ mệt mỏi, mà khoan thai, ung dung trong từng bước chân.
Tuổi đời 90 thì ông Ngộ có đến 70 năm gắn bó với Bưu điện thành phố, chứng kiến mọi đổi thay của nơi này. Sau khi đến tuổi nghỉ hưu, ông xin phép lãnh đạo bưu điện được tiếp tục ngồi lại để hướng dẫn cho khách và viết thư thuê cho những ai có nhu cầu.
Theo lời ông kể, ngày trước, khi điện thoại và internet còn chưa phổ biến, bưu điện có hẳn một tổ 5 đến 7 người chuyên viết thư tay giúp khách và ông trong số đó. Thư viết gửi đi trong nước và ra tận nước ngoài. Những người làm việc cùng ông đến nay đều đã qua đời, hiện ở Bưu điện thành phố chỉ còn duy nhất một mình ông là người viết thư tay.
Bàn làm việc nhỏ, với tấm bảng đề dòng chữ “Nơi chỉ dẫn và viết giúp”, bên cạnh là mấy cuốn từ điển Anh - Pháp - Việt, kính lúp, những bài báo cũ cùng sấp ảnh kỷ niệm do nhiều du khách khi ghé lại nơi đây đã chụp và tặng lại ông. “Ngày nào còn cống hiến được cho xã hội thì tôi vẫn làm, mình phải làm sao để du khách tới đây người ta yêu mến đất nước của mình”, ông Ngộ tâm sự.
Và có lẽ, cũng chính vì làm việc với tâm nguyện đó, mà khu vực bàn làm việc của ông chưa bao giờ ngớt khách. Không có khách nhờ viết giúp thì là khách du lịch, vì rành cả hai ngôn ngữ Anh - Pháp nên ông gần như giao tiếp được với hầu hết khách nước ngoài khi tới tham quan bưu điện.
Cầm chiếc kính lúp chuẩn bị dịch thư cho khách, ông Ngộ kể, kính lúp này do một hướng dẫn viên du lịch người Pháp tặng khi ghé lại bưu điện. Trên chiếc kính có khắc ngày sinh của ông. “Những món quà thế này với tôi quý lắm, tôi giữ nó cũng mấy chục năm nay rồi”, dứt lời ông soi vào lá thư và chuẩn bị dịch sang tiếng Pháp cho khách.
Ông viết hoàn toàn không có một mức giá nhất định, chủ yếu tùy tâm khách. Hoàn cảnh gia đình cũng không quá khó khăn để ông phải bươn chải ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, đơn giản chỉ vì ông không muốn xa công việc, xa cái chỗ mà ông đã gắn bó cả đời người.
“Ông dịch kỹ lắm, nhưng chưa bao giờ đòi hỏi, có lần tôi đưa hơi nhiều, ông trả lại, chỉ nhận đủ tiền công thôi”, chị Mỹ Hạnh (30 tuổi, ngụ quận 5) chia sẻ.
Vừa nhờ ông dịch xong bức thư sang tiếng Pháp để gửi cho nhóm bạn quen biết trong chuyến du lịch ở Paris, chị Nguyễn Thị Phương (26 tuổi, ngụ quận 2), cho hay: “Nhờ ông dịch thư cũng vài ba lần rồi, thấy yên tâm lắm, từ câu cú, ngữ pháp và cả cảm xúc nữa. Bạn bè cũng thường nhắn tin cho nhau, nhưng cảm giác gửi và nhận thư tay thì quý hơn, đọc chữ viết tay cũng thấy tình cảm nhiều hơn”.
“Bây giờ, thư tay được người ta quý lắm. Mấy năm nay, người thân của tôi về đây sống hẳn, nên không còn nhờ bác viết nữa, nhưng thỉnh thoảng gia đình tôi vẫn ghé đây thăm bác, như một người thân quen”, chị Trịnh Thị Dung (ngụ quận 3) cho biết.
Có lẽ, giữa những thay đổi của cuộc sống, vẫn cần một người muôn năm cũ như ông, để người ta thấy trân quý hơn những giá trị tinh thần tốt đẹp dang dần phai mờ bên cạnh những thiết bị số hóa.