Nhà báo Nguyễn Quang Thọ, nguyên Tổng Biên tập Báo Yêu Trẻ, từng là chiến sĩ Sư đoàn 304 từ năm 1968-1971. Từ vốn sống và trải nghiệm phong phú, tác giả Nguyễn Quang Thọ đã dày công tìm tòi, sưu tầm và đưa vào cuốn sách Người Việt nói tiếng Việt (NXB Tổng hợp TPHCM) khoảng hơn 600 thành ngữ, tục ngữ không có mặt trong từ điển, mặc dù rất thông dụng trong đời sống. Đây có thể xem là những thành ngữ, tục ngữ lâu nay đang bị các từ điển bỏ sót.
Trong cuốn sách của mình, tác giả dành sự quan tâm cho những thành ngữ, tục ngữ Nam bộ đã và đang được sử dụng rộng rãi, vượt qua khuôn khổ của phương ngữ, góp phần làm giàu tiếng Việt nhưng chưa được các tác giả từ điển lưu tâm đúng mức. Bên cạnh đó, ông cũng ghi nhận một số từ và thành ngữ, tục ngữ tuy gọi là mới, nhưng đã và đang được sử dụng rất phổ biến trong xã hội, cả ngoại nhập và sản phẩm của cuộc sống hôm nay.
Chẳng hạn, để nói về cái chết, người Việt có nhiều cách/từ ngữ khác nhau. Trong Từ điển thành ngữ Việt Nam đã có “Về chầu âm phủ”, “Về chầu Diêm vương”, “Về chầu ông bà ông vải”, “Về chầu ông vải” nhưng theo tác giả Nguyễn Quang Thọ, cuốn từ điển này đã bỏ qua nhiều câu thành ngữ có ý nghĩa tương tự như “Về cõi vĩnh hằng”, “Về nơi an nghỉ cuối cùng”, “Về nơi chín suối”. Không những vậy, nhiều câu thành ngữ quen thuộc với người Việt cũng bị bỏ sót như “So bó đũa chọn cột cờ”, “Gọi đích danh”, “Ăn cơm trước kẻng”, “Tiền tươi thóc thật”…
Ngoài cất công sưu tầm những thành ngữ, tục ngữ đang bị các từ điển bỏ sót, tác giả Nguyễn Quang Thọ còn khảo cứu trên những thành ngữ, tục ngữ đã xuất hiện trong các từ điển nhưng cách giải thích theo ông là chưa thỏa đáng, cần hiểu theo cách khác. Chẳng hạn với câu thành ngữ “Nhạt như nước ốc” mà Từ điển thành ngữ Việt Nam nhắc đến, theo tác giả Nguyễn Quang Thọ, câu thành ngữ đúng ra phải là “Nhạt như nước ốc ao bèo”. Bởi thực tế, nước ốc không nhạt, chỉ có ở những ao bèo dày, do bèo ăn hết chất dinh dưỡng khiến ốc ốm làm cho nước trở nên nhạt đi.