Văn phòng Bộ LĐTB-XH thông tin, 9 giờ 10 sáng 14-12 giờ Seoul (khoảng 7 giờ 20 giờ Việt Nam), tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Y tế và phúc lợi xã hội Hàn Quốc Kwon Deok Cheol đã ký hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Đây là hiệp định đầu tiên của Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực này.
Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, hợp tác giữa hai nước đang ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lao động - việc làm. Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc và người Hàn Quốc đến làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng và đều có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp của cả hai nước; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ cũng được bảo vệ bởi luật pháp của hai nước, trong đó có quyền và nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó, để bảo vệ quyền lợi của người lao động và thực hiện pháp luật của hai nước về bảo hiểm xã hội, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành đàm phán hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội.
Theo Bộ LĐTB-XH, phần lớn các quốc gia đều có pháp luật quy định người lao động bắt buộc phải tham gia các chế độ bảo hiểm xã hội, trong đó quan trọng nhất là bảo hiểm hưu trí. Trong bối cảnh trao đổi thương mại và đầu tư trên thế giới ngày càng phát triển, dòng lưu chuyển lao động giữa các nước cũng ngày càng tăng. Người lao động khi đến một quốc gia khác làm việc thì về nguyên tắc sẽ phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội ở quốc gia đó. Khi về hưu thì người lao động được quyền hưởng lương hưu, trên cơ sở các khoản bảo hiểm xã hội mà họ đã đóng trước đó ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Trong trường hợp giữa các quốc gia không có hiệp định song phương hay đa phương về bảo hiểm xã hội thì việc thụ hưởng lương hưu khi người lao động về hưu sẽ rất khó khăn. Có trường hợp không thực hiện được do không có sự liên thông, kết nối hay công nhận lẫn nhau giữa các hệ thống bảo hiểm. Bởi vậy, để bảo vệ quyền lợi bảo hiểm xã hội của người lao động, chính phủ nhiều nước cố gắng thúc đẩy để ký kết hiệp định về bảo hiểm xã hội với quốc gia nơi có nhiều công dân nước mình đến làm việc .
Trong những năm qua, số người lao động là công dân Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc chiếm tỷ lệ lớn trong số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với sự mở rộng trao đổi thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc, số người lao động Hàn Quốc sang Việt Nam làm việc cũng có xu hướng gia tăng. Bởi vậy, việc ký kết hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc là nhu cầu cấp thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển lao động giữa hai nước và để bảo vệ quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho lao động hai nước.
Bộ LĐTB-XH khẳng định, mục đích của hiệp định này là để tránh cho người lao động phải đóng 2 lần bảo hiểm xã hội và thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được 2 bên công nhận lẫn nhau. Nếu 2 nước không có hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội thì người lao động Việt Nam khi làm việc tại Hàn Quốc và người lao động Hàn Quốc khi làm việc tại Việt Nam sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội tại cả Việt Nam và Hàn Quốc.
Mức hưởng chế độ mà quỹ bảo hiểm xã hội của mỗi nước chi trả cho người lao động khi về hưu sẽ căn cứ vào thời gian và mức đóng mà người lao động đã đóng vào quỹ đó. Công thức tính được quy định theo luật pháp của mỗi nước.