Tại buổi đối thoại giữa công nhân Hà Nội với các chuyên gia về chuyên đề: “Tìm hiểu pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động và nhận diện lừa đảo trực tuyến, cách phòng ngừa” diễn ra ngày 4-5 ở Hà Nội, nhân Tháng công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2024, anh Ngô Đức Hà, công nhân thuộc Công ty Goshi Thăng Long đã nêu câu hỏi: Hiện nay đang xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến, đặc biệt là qua cuộc gọi video, làm cách nào để người dân có thể phòng ngừa?
Cũng liên quan công nghệ cao và bảo mật cá nhân, chị Trần Việt Hằng, công nhân thuộc Công ty cổ phần Xích-líp Đông Anh, đặt câu hỏi: Có thông tin cho rằng ngân hàng đã để rò rỉ số điện thoại và thông tin tiền gửi của khách hàng cho một số nhóm tội phạm, nên tội phạm mới biết ai có tiền để gọi điện lừa đảo. Thông tin này có đúng không?
Trả lời hai câu hỏi này, Thượng tá - TS Đào Trung Hiếu thuộc Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) cho biết, rò rỉ thông tin cá nhân là vấn đề rất nóng hiện nay. “Bản thân tôi cũng không ít lần bị các số điện thoại lạ gọi điện môi giới, giới thiệu sản phẩm…”, chuyên gia này nói. Theo ông, việc lộ thông tin cá nhân có thể thông qua nhiều cách thức khác nhau, từ hoạt động mua sắm của người dân, thậm chí khi chúng ta cung cấp số điện thoại hoặc căn cước công dân trong giao dịch bình thường hàng ngày.
“Trong quá trình đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, lực lượng công an cũng đã bắt, điều tra một số đối tượng bán thông tin cá nhân, dữ liệu người dùng trên không gian mạng và chúng tôi cũng đang tích cực có những biện pháp để cảnh báo người dân, đồng thời ngăn chặn loại tội phạm này”, Thượng tá Đào Trung Hiếu cho biết.
Còn về tình trạng lừa đảo trên mạng, theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, hiện nay tội phạm công nghệ cao đã chuyển sang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để lừa đảo. Hình thức lừa đảo là đối tượng sẽ truy cập vào trang mạng xã hội của người dùng, thông qua AI, sử dụng thuật toán ghép các hình ảnh lại thành video. Sau khi “hack” (đánh cắp) được tài khoản (account) của người dùng thì sẽ dùng cuộc gọi có hình ảnh (video call) để tạo sự tin tưởng, qua đó lừa đảo.
Thượng tá Đào Trung Hiếu lưu ý, khi hình thức nhắn tin lừa đảo không còn hiệu quả, các đối tượng đã sử dụng AI để lừa đảo bằng video call. Hiện nay, chúng ta đang bước vào thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, Việt Nam được cho là một “điểm đen” về an ninh mạng do số cuộc lừa đảo, số tiền bị lừa đảo là rất lớn (theo một thống kê thì gần 16 tỷ USD do người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu).
“Để phòng ngừa, chúng ta phải có kỹ năng nhận biết. Trước hết, các cuộc gọi video call từ AI sẽ không tương thích giữa hình ảnh và giọng nói, chập chờn, mà đối tượng sẽ nói rằng do “sóng yếu”. Trước hết, không vội tin tưởng mà phải gọi điện cho người thân để kiểm chứng trước khi chuyển tiền hoặc nạp tiền”, Thượng tá Đào Trung Hiếu lưu ý một số chi tiết để tránh bị mắc bẫy của kẻ lừa đảo.