Tâm lý lo ngại này đã gia tăng so với năm ngoái ở khắp các phân khúc, độ tuổi cũng như thu nhập của những người tham gia khảo sát. Theo đó, cứ 10 người tiêu dùng ở Việt Nam thì có 8 người lo lắng về vấn đề tài chính của mình. Ba mối quan tâm tài chính hàng đầu ở Việt Nam là khả năng để dành tiền tiết kiệm, khả năng duy trì lối sống hiện tại, khả năng đáp ứng nhu cầu tài chính và chăm sóc sức khỏe của cha mẹ. Do đó, người tiêu dùng thận trọng hơn với tài chính và việc đầu tư của họ.
Đáng chú ý, có 65% số người được hỏi cho biết đã theo dõi việc chi tiêu, tiền bạc của họ chặt chẽ hơn thông qua nền tảng ngân hàng trực tuyến và 60% đã tìm hiểu thêm về các sản phẩm có ưu đãi, điểm thưởng hoặc tiết kiệm. Với những thay đổi trong tâm lý và hành vi tiêu dùng của người Việt, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng, doanh nghiệp phải nắm chắc các dự báo, chọn giải pháp ngắn và trung hạn để đáp ứng yêu cầu mới của người tiêu dùng.
Đặc biệt, theo bà Vũ Kim Hạnh, để kinh doanh thành công, yếu tố quan trọng nhất vẫn là chất lượng sản phẩm, tiếp đến doanh nghiệp phải chú trọng tới hệ thống phân phối nhằm tiết kiệm chi phí, giá thành sản phẩm phù hợp hơn.