Khai thác tốt thị trường
Không phải tới năm 2022 mà nhiều năm nay các doanh nghiệp (DN) Việt đã coi thị trường nội địa là một “cứ điểm” an toàn bởi quy mô 100 triệu dân cũng như niềm tin vào hàng Việt của người tiêu dùng. Đặc biệt, hơn 2 năm qua ảnh hưởng đại dịch Covid-19 thì thị trường nội địa càng trở thành điểm tựa vững chắc cho hàng Việt.
Chính vì vậy, các DN đã không ngần ngại đầu tư cho việc đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã, bao bì cũng như chú trọng việc hạ giá thành cho hàng hóa. Đặc biệt, nếu như trước đây việc đạt các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP hoặc đạt tiêu chí OCOP còn khiêm tốn thì nay những tiêu chuẩn này được DN Việt chú trọng hàng đầu nhằm tạo sức cạnh tranh.
Đây cũng là điều dễ hiểu khi loạt sản phẩm hàng Việt ở các lĩnh vực như bánh kẹo, thời trang, hàng nông sản… đang chiếm lĩnh thị trường nội địa. Trong đó, với bánh kẹo, các thương hiệu phổ biến như Bibica, Tân Quang Minh, Hữu Nghị, Phạm Nguyên, Kido… được rất nhiều người tiêu dùng tin tưởng, chọn lựa. Còn phân khúc hàng nông sản, dễ dàng bắt gặp ở tại các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… có hơn 90% hàng hóa là hàng nội địa.
Là một trong những “tín đồ” chuộng hàng nội, chị Mai Thúy Hằng (huyện Củ Chi, TPHCM) chia sẻ, gia đình chị đang sử dụng rất nhiều sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam, bán tại các hệ thống Co.opmart để phục vụ cho cuộc sống. Theo chị Hằng, các sản phẩm này ngày càng được cải thiện mẫu mã, chất lượng, giá cả lại phải chăng.
Thực tế, trong một nghiên cứu được Công ty Nielsen công bố gần đây cho thấy, có 3 động lực chính ảnh hướng đến hành vi và thói quen mua sắm của người tiêu dùng hiện nay gồm: chất lượng - hiệu quả; sản phẩm có nguồn gốc địa phương; công nghệ. Các động lực này có tác động lớn, thúc đẩy sự phát triển đáng kể của các xu hướng như người tiêu dùng ưa chuộng hàng nội địa. So với mức trung bình toàn cầu, người tiêu dùng Việt Nam có sự ưu tiên mạnh mẽ hơn với các sản phẩm địa phương. Theo đó, 17% người tiêu dùng chỉ mua hàng tiêu dùng nội địa và 59% nói rằng họ đa phần mua hàng tiêu dùng nội địa (so với trung bình toàn cầu là 11% và 54%). Do đó, hàng Việt với ưu thế thân quen, gần gũi và chất lượng không thua kém hàng nước ngoài, giá cả phù hợp nên đã trở thành lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng.
Bệ đỡ chính sách
Theo các chuyên gia, để hàng Việt có vị thế như hiện tại thì Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một trong những cú hích quan trọng. Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, nếu như năm 2008 (thời điểm trước khi thực hiện cuộc vận động), tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ cả nước chỉ đạt 963.685 tỷ đồng thì đến năm 2020 đã tăng gấp 4 lần. Cùng với đó, cán cân thương mại Việt Nam đổi chiều từ nhập siêu sang xuất siêu. Năm 2008, Việt Nam nhập siêu 18 tỷ USD, song, đến năm 2020 đã xuất siêu gần 20 tỷ USD, đặc biệt năm 2021 dù phải chống chọi với dịch bệnh, nhưng Việt Nam vẫn xuất siêu trên 4 tỷ USD.
Bên cạnh cuộc vận động, một nhân tố quan trọng khác chính là sự hỗ trợ và bắt tay của các DN phân phối, bán lẻ với DN sản xuất, từ đó giúp hàng Việt chắc chân hơn. Điển hình là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op). Ngay từ những ngày đầu thành lập, các nhà lãnh đạo Saigon Co.op đã thống nhất về vai trò của hàng Việt trong cơ cấu hàng hóa bán tại hệ thống. Và từ chương trình “Người tiêu dùng và hàng Việt Nam chất lượng cao” năm 1997, Saigon Co.op đã nâng cấp thành tháng “Tự hào hàng Việt” năm 2009 để đánh dấu một chặng đường đổi mới và đón đầu hội nhập mạnh mẽ của hàng Việt. Cho đến nay, các hoạt động trong “Tháng Tự hào hàng Việt” đã góp phần quan trọng tạo nên thói quen ưu tiên sử dụng hàng Việt cho hàng chục triệu gia đình Việt Nam, cũng như đã giúp hàng chục triệu sản phẩm Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng.
Saigon Co.op cho biết, suốt nhiều năm qua, nhà bán lẻ này đã chủ trương liên kết với các HTX, DN địa phương, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của HTX. Trong mạng lưới cung ứng của Saigon Co.op có sự liên kết chặt chẽ với hơn 3.200 nhà cung cấp nội địa để xây dựng những mặt hàng mang đậm thương hiệu Việt. Sự liên kết chặt chẽ đã mang lại kết quả đáng khích lệ khi tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống phân phối của Saigon Co.op chiếm đến 90%, riêng ngành hàng thực phẩm tỷ lệ này lên đến 95%.
Theo đại diện Saigon Co.op, để giúp hàng Việt cất cánh, nhà bán lẻ này tiếp tục tăng cường chính sách hỗ trợ cho DN sản xuất tại Việt Nam như ưu tiên chính sách mua hàng, diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông...
Chuỗi hoạt động nằm trong chương trình Tự hào hàng Việt 2022 chủ đề “Ngôi nhà hàng Việt - Ưu đãi bùng nổ” của Saigon Co.op vừa kết thúc với việc giảm giá từ 20-80% cho 25.000 sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, mỗi tuần sẽ có chương trình khuyến mãi giảm giá cho những nhóm ngành hàng khác nhau, phục vụ đa dạng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ghi nhận thực tế tại hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại… của Saigon Co.op, sức mua trong thời gian diễn ra chương trình này tăng gấp đôi so với ngày thường. Các hệ thống Co.opmart, Co.opXtra phải liên tục “châm” hàng lên quầy kệ, cho thấy các sản phẩm hàng Việt ngày càng có sức hút. |