Bên cạnh những nghề từng được nhiều người chọn như làm nail (làm móng), cắt cỏ, phục vụ nhà hàng…, người Việt cũng rất chịu khó làm nhiều nghề khác như nhặt ve chai, bán thức ăn đường phố hay lái xe công nghệ. “Nhặt ve chai” - nói quen miệng là vậy nhưng thực ra là thu gom những thứ người này bỏ đi nhưng có thể hữu dụng cho nhiều người khác, nhất là tivi, tủ lạnh, quạt, máy in…
Ở 2 bang California và Texas, nhiều người Việt chọn nghề này và thường dùng xe bán tải chở “chiến lợi phẩm”. Anh Dũng Nguyễn ở Houston, Texas, trước kia từng làm cho một hãng điện tử. Sẵn chút kiến thức về điện, giờ đây anh chuyên đi gom nhặt đồ điện tử thải loại. Anh cho biết có những thứ còn tốt không cần sửa chữa, một số sửa chữa đơn giản là có thể rao bán trên mạng hoặc giữ lại dùng cho tiết kiệm.
Anh Thảo Trần ở Santa Ana, bang California lại chia sẻ, khu vực anh sống tập trung nhiều người khá giả nên họ thường bỏ nhiều loại đồ dùng còn tốt. Do đó không chỉ gom để bán, những người Việt khéo tay, có tay nghề còn sửa sang đồ cũ thành những món đồ khác. Ví dụ họ dùng mô tơ, linh kiện trong các thiết bị điện tử để chế tạo các máy ròng rọc làm máy quay thịt, máy xay thịt… để bán cho nhà hàng.
Hòa trong sự vận động chung của các xu hướng ẩm thực, các món ăn Việt Nam ngày càng phổ biến trên thế giới. Trong đó không thể phủ nhận sự đóng góp của cộng đồng người Mỹ gốc Việt giúp lan tỏa ẩm thực Việt đến rộng rãi hơn. Nếu như bang California có nhiều nhà hàng, quán ăn đặc trưng món Việt lâu đời thì các TP Houston và Dallas ở bang Texas cũng dần hình thành nhiều quán ăn giúp lan tỏa ẩm thực Việt. Trên đại lộ Bellaire ở Houston, các quán ăn thiết kế kiểu ẩm thực đường phố của Việt Nam với những chiếc ghế nhựa, bàn thấp và bình trà đá miễn phí đã trở nên quen thuộc với người dân bản xứ và du khách. Các món ăn đậm chất đường phố như bột chiên, bánh khọt, ốc các loại, mì xào, gỏi khô bò, nước mía, nước rau má… được đón nhận nhiệt tình, nhất là khi không thể tìm ra nơi bán tại nhiều bang khác của Mỹ. Vợ chồng chị Thuật Phạm, sống ở Mỹ hơn 10 năm qua, đã sắm chiếc xe tải chuyên bán thức ăn Việt Nam lưu động ở Dallas. Những món bán chạy nhất của vợ chồng chị là bánh khọt, bột chiên, bánh tráng trộn. Công việc mang lại cho gia đình chị nguồn thu nhập ổn định, nhất là thời kỳ hậu Covid-19 mọi thứ chưa thật sự hồi phục, chưa kể công việc này phù hợp với những người không còn trẻ và không giỏi tiếng Anh.
Thêm một nghề có thu nhập cũng thuộc dạng khá cao đối với người Việt ở Mỹ là tài xế xe công nghệ. Anh Sơn Nguyễn ở TP Denver, bang Colorado, trước là lái xe Uber bán thời gian nhưng nay đã chuyển sang chạy xe toàn thời gian. Anh cho biết, vào những ngày cuối tuần hay mùa lễ hội, trung bình mỗi giờ anh kiếm khoảng 50 USD. Theo anh, tuy làm nghề này hơi vất vả vì không có thời gian ăn nghỉ đúng giờ nhưng nếu khéo thu xếp cũng ổn.
Có thể nói, cần cù, chịu thương chịu khó là một trong những giá trị tốt đẹp của người Á Đông, trong đó có người Việt. Bất cứ ai lương thiện, chăm chỉ lao động cũng sẽ đảm bảo được việc duy trì cuộc sống cá nhân, sống có ích cho gia đình và xã hội.