Người ven đô (tác giả: cố nhà văn - Đại tá Minh Khoa, chuyển thể cải lương: Nguyễn Gia Nghiệm, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ), do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Sân khấu Cải lương mới Đại Việt tổ chức thực hiện, với sự tham gia biểu diễn của NSND Phượng Loan, NSND Mỹ Hằng, các NSƯT Lê Tứ, Võ Minh Lâm, Bảo Trí, Lê Hồng Thắm, Trọng Nghĩa; các nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường, Trọng Hiếu, Trúc Phương, Diệp Duy, Chí Dũng…
Nội dung câu chuyện kể về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, tại 18 thôn Vườn Trầu, địa giới thuộc huyện Hóc Môn, quận 12 và một phần huyện Củ Chi ngày nay.
Nằm kế cận Sài Gòn, với địa hình, địa thế thuận lợi, nên Hóc Môn - Bà Điểm được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ để hoạt động và lãnh đạo phong trào cách mạng của cả nước. Nơi đây, trong mấy mươi năm, nhân dân luôn ra sức nuôi giấu, che chở cho rất nhiều đồng chí cán bộ cách mạng, lãnh đạo của Đảng.
Đảm nhận trọng trách dẫn đầu cùng bảo vệ cán bộ cách mạng, bộ đội hành quân vào ra thành phố, kiên định đấu tranh với kẻ địch là ông Tám Khỏe (NSƯT Lê Tứ thủ vai) và ông Bảy Đờn (NSƯT Võ Minh Lâm). Cả hai cùng xông pha với những người trẻ tuổi, đảm bảo cho các hoạt động bí mật.
Trải qua rất nhiều hiểm nguy, gian khó, cả sự mất mát, hy sinh, nhân dân 18 thôn Vườn Trầu vẫn chung một ý chí, góp sức cùng cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ kháng chiến…
Để chia rẽ tinh thần theo cách mạng của người dân trong thôn xóm, cố vấn Mỹ (NSƯT Trọng Nghĩa) và Đồn trưởng - Đại úy Tiền (NSƯT Bảo Trí) đã dùng đòn tâm lý chiến, bắt bớ, đàn áp, hạ nhục các thiếu nữ, làm áp lực buộc ông Tám Khỏe vì cứu con cháu, mà thốt lời ly khai với cách mạng, đồng thời chiêu dụ con trai Bảy Đờn theo lính quốc gia…
Ông Tám Khỏe cảm thấy bản thân tội lỗi khi lỡ buông lời “ly khai Việt Cộng”. Trong cao trào diễn xuất tâm lý, NSƯT Lê Tứ với sự hợp tác ăn ý của NSƯT Võ Minh Lâm đã tạo nên những khoảnh khắc thể hiện xuất thần hình ảnh một lão nông yêu nước, luôn tự dằn vặt bản thân đến mức rơi vào nửa điên nửa tỉnh, làm rung động cảm xúc của người xem.
Câu chuyện kịch tính được đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ trau chuốt kỹ lưỡng cho từng cảnh diễn, từ đặt để đạo cụ, sắp xếp cảnh trí, kỹ thuật ánh sáng, sử dụng màn hình led trình chiếu các clip tư liệu để tạo hiệu ứng về hình ảnh.
Vở quy tụ các nghệ sĩ tài năng, chuyển tải chân thật đến người xem về các nhân vật có thật, từ câu chuyện có thật, không thể nào quên trong tâm thức người dân 18 thôn Vườn Trầu, về một giai đoạn lịch sử đấu tranh ác liệt của quân và dân để giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.