Tại buổi tọa đàm Tín dụng tiêu dùng: "Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 20-4, các chuyên gia nhận định, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển, nhu cầu vay vốn tín dụng tiêu dùng của người dân là rất lớn, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi. Cho vay tiêu dùng qua các kênh tín dụng chính thức như ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các công ty tài chính công nghệ (fintech)… đã và đang góp phần rất lớn vào việc đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng của khách hàng cá nhân, hạn chế tín dụng đen. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những vấn đề phát sinh trong hoạt động thu hồi nợ "phản cảm" từ một vài công ty tài chính hay sự vụ công ty cho vay tiêu dùng bị cơ quan công an kiểm tra, đã tác động tiêu cực tới hình ảnh của các đơn vị cho vay tiêu dùng chính thống, thậm chí bị hiểu lầm là “tín dụng đen”.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TPHCM cho biết, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TPHCM cho biết, cả nước hiện có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép trong khi các App (ứng dụng) không được cấp phép rất nhiều, gây ảnh hưởng những công ty chính thống khiến họ bị đánh đồng, bị ngộ nhận, bị ảnh hưởng thương hiệu. Thậm chí, công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp, được cấp phép quản lý đang bị đánh đồng với tín dụng đen. Để thị trường cho vay tiêu dùng tăng trưởng tốt, hạn chế tín dụng đen, các cơ quan cần cần tăng cường giải pháp tuyên truyền tránh để khách hàng gây ngộ nhận công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp và công ty trái pháp luật. NHNN cần công bố danh sách các doanh nghiệp tín dụng tiêu dùng được cấp phép, có quản lý cần được công bố để người dân có nhìn nhận tốt hơn. Cần truyền thông thêm nghĩa vụ người đi vay, rủi ro trả nợ không đúng hạn để người dân có niềm tin hơn.
Luật sư Phạm Văn Đức - Công ty Luật TNHH MTV Đức & Phạm cho biết, có không ít người vay không phân biệt được đâu là công ty tài chính, tài chính công nghệ (fintech) được cấp phép, đâu là tín dụng đen. Hiện tượng tín dụng đen núp bóng rất nhiều. Các đơn vị này mập mờ về hợp đồng, lãi suất. Lãi suất thấp nhưng thu phí cao dẫn đến lãi suất thực rất cao để các khách vay tín dụng tiêu dùng là đối tượng người trẻ, hộ gia đình nghèo sập bẫy. Do đó, khi khách hàng tìm đến các công ty tài chính để vay tiêu dùng, điều đầu tiên khách hàng nên kiểm tra thông tin về các tổ chức tín dụng cho vay, gói vay có đúng luật không để nhận diện đâu là công ty tài chính chính thức, đâu là công ty tài chính trá hình.
Luật sư Trương Thị Hoà cũng khuyến nghị, người đi vay tín dụng tiêu dùng cần phải biết rõ công ty tài chính, ngân hàng cho mình vay, cần tìm hiểu những quy định và có hợp đồng cụ thể. Bên cho vay có nghĩa vụ cung cấp dự thảo vay cho người vay nghiên cứu, nếu sử dụng hợp đồng mẫu thì phải niêm yết tại văn phòng, chi nhánh giao dịch để người vay tham khảo.
Ngoài ra, người đi vay phải quan tâm đến phương thức tính lãi suất và các khoản phí cụ thể cũng như cách thu hồi nợ của đơn vị cho vay. Bởi lẽ, theo quy định, lãi suất cho vay tiêu dùng tối đa là 20%/năm nhưng sau khi cộng thêm các loại phí có thể lên đến 60%-70%/năm thì bên đi vay có quyền yêu cầu được giải thích rõ ràng. Với việc thu hồi nợ, nếu bên cho vay đốc thúc thu hồi nợ không đúng quy định, vi phạm pháp luật, người đi vay có thể trình báo các cơ quan có thẩm quyền là Ngân hàng nhà nước chi nhánh địa phương, cơ quan công an.