Tháng 4 vừa qua, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh và các cộng sự, Trại khoa học đã được tổ chức tại trung tâm giải trí phiêu lưu PGL Liddington thuộc vùng Wiltshire của Anh.
Tổng cộng có 46 học sinh trung học ở London đã được tham gia trải nghiệm Trại khoa học, trong đó chủ yếu là các nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc có nguồn gốc thuộc các cộng đồng dân thiểu số từ các khu vực kém thịnh vượng ở London, ít có điều kiện theo đuổi sự nghiệp STEM (các ngành học về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).
Tại Trại khoa học của Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh, các em học sinh được tham gia những thí nghiệm thực hành khoa học trong lĩnh vực công nghệ nano tiên tiến nhưng rất thú vị và gần gũi với đời sống hàng ngày như tổng hợp các hạt nano vàng bằng nước cốt chanh và muối vàng, thử nghiệm làm đổi màu các hạt nano trong dung dịch bằng nước muối (chất điện phân), khám phá sự ổn định của các hạt nano khi chúng được bảo vệ bởi một lớp protein (lòng trắng trứng) chống lại nồng độ cao của nước muối. Các em cũng chứng kiến cách tạo ra các hạt nano vàng, hạt oxit sắt từ tính, các hạt nano từ tính tương tác với từ trường bằng cách sử dụng chất lỏng sắt từ và nam châm.
Các học sinh thực sự tò mò, thích thú khi được thực hiện các thí nghiệm khoa học dưới sự hướng dẫn trực tiếp từ nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ nano hiện nay là Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh; nhất là được khám phá quá trình sử dụng công nghệ nano để phát hiện và điều trị một số bệnh như ung thư. Một học sinh đã thốt lên: “Em chưa bao giờ biết Giáo sư Thanh có thể tạo ra các hạt nano vàng bằng nước chanh. Thật tuyệt vời khi thấy dung dịch đổi màu và tìm hiểu cách sử dụng những hạt siêu nhỏ này trong chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm như Covid-19”. Bên cạnh các thí nghiệm khoa học, các em học sinh còn được tham gia các hoạt động bổ trợ, trò chơi khoa học rất lý thú khác.
Cùng Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh, Tiến sĩ Mark Fuller của UCL, người kết nối quan hệ giữa trường đại học UCL và các trường phổ thông, cũng tham gia với vai trò người hướng dẫn hoạt động chế tạo tên lửa và năng lượng bền vững.
Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết: “Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều đằng sau hậu trường để thiết kế mọi thứ thật đơn giản và ấn tượng với các em học sinh. Chúng tôi rất vui khi thấy các em khám phá khoa học và hòa mình vào nhiều hoạt động thể chất mạo hiểm”.
Về kế hoạch tiếp theo, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh khẳng định sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại UCL cho các em học sinh này, đồng thời sẽ dịch và cung cấp các video cho các giáo viên trên toàn thế giới để họ có thể mô phỏng quá trình tổng hợp các hạt nano trong điều kiện của họ…
Bà nhấn mạnh: “Trại khoa học chỉ là bước khởi đầu trong nỗ lực của chúng tôi nhằm thúc đẩy giáo dục STEM và truyền cảm hứng cho thế hệ các nhà khoa học tiếp theo. Chúng tôi hy vọng sẽ thúc đẩy những thay đổi tích cực, đặc biệt là ở các em gái và các nhóm dân tộc thiểu số, để các nhóm này trong tương lai sẽ khám phá và theo học các môn STEM ở cấp đại học”.
Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh là Viện sĩ của 4 viện khoa học tại Anh với nhiều giải thưởng khoa học quốc tế danh giá. Năm 2019, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh đã được trao Giải thưởng Rosalind Franklin từ Viện Hàn lâm Khoa học của Anh và Khối Thịnh vượng chung do những thành tựu nghiên cứu của bà trong lĩnh vực vật liệu nano cho y sinh. Bà đã đề nghị sử dụng khoản tiền thưởng để tổ chức Trại khoa học dã ngoại ở một trung tâm giải trí phiêu lưu để truyền cảm hứng và động lực nghiên cứu khoa học cho học sinh trung học từ lớp 8 đến lớp 10 (theo TTXVN).