Trong năm 2021, người Trung Quốc, cả người lớn và trẻ em, đọc sách nhiều hơn so với năm 2020, bao gồm cả sách giấy và sách điện tử. Theo kết quả khảo sát do Viện Báo chí và Xuất bản Trung Quốc thực hiện tại 162 thành phố thuộc 30 khu vực cấp tỉnh trên cả nước, trong năm 2021, bình quân mỗi người Trung Quốc đọc 4,76 cuốn sách giấy, 3,3 cuốn sách điện tử. Có 45,6% người trưởng thành được hỏi nói rằng họ thích đọc sách giấy hơn. Hơn 77% người trưởng thành cho biết thường dùng điện thoại di động để đọc sách, trong đó hơn 33% có thói quen nghe sách nói. Tính trung bình, trong năm 2021, mỗi người Trung Quốc trưởng thành dành 21,05 phút mỗi ngày để đọc sách - tăng 1 phút so với năm 2020.
Cũng trong năm 2021, số lượng người đọc sách điện tử ở Trung Quốc đạt 506 triệu người, tăng 2,43% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo bản báo cáo Đọc sách kỹ thuật số Trung Quốc, quy mô tổng thể của thị trường sách điện tử của Trung Quốc đạt 41,57 tỷ nhân dân tệ (6,4 tỷ USD), đánh dấu mức tăng trưởng lên tới 18,23% trong năm 2021.
Chiếm khoảng 44,63% số lượng độc giả tìm đến sách điện tử là thế hệ Z (Gen Z), khoảng 27,25% có độ tuổi dưới 18. Tỷ lệ còn lại ở nhóm độc giả trung niên và cao tuổi. Họ cũng dần xem sách điện tử là sự lựa chọn. Ông Trịnh Chí Vũ, 70 tuổi, cho biết, trong 6 năm qua, ông đã tải về hơn 600 bản sách điện tử. Mỗi ngày, ông dành khoảng 4 đến 5 giờ để đọc sách. Việc bắt kịp xu hướng đọc sách mới với ông không mấy khó khăn.
Nắm bắt tâm lý của độc giả, nhiều nhà xuất bản đẩy mạnh phát triển hệ thống sách điện tử bên cạnh sách giấy. Các ứng dụng đọc sách liên tục được cải tiến để phục vụ cho lượng độc giả đang tăng lên. Cùng với sự ra đời của các công nghệ 5G, sách điện tử đã tích hợp thêm trí tuệ nhân tạo hay công nghệ thực tế ảo VR, đưa đến các trải nghiệm sinh động về âm thanh, hình ảnh, phù hợp với từng nhóm đối tượng, giúp việc đọc sách dễ dàng và thuận tiện hơn. Không chỉ gói gọn ở thị trường trong nước, sách điện tử Trung Quốc đã vươn ra thị trường nước ngoài. Trong năm ngoái, Trung Quốc xuất khẩu hơn 400.000 bản sách điện tử ra thị trường nước ngoài bằng nhiều thứ tiếng.
Các loại sách được ưa chuộng nhất là truyện về tình yêu, tiếp theo là lối sống, lịch sử và tâm lý học. Đối với hình thức đọc sách kỹ thuật số, những câu chuyện tình yêu thành thị phổ biến nhất, theo sau là lịch sử/quân sự, văn học cổ điển và khoa học viễn tưởng. Ngoài sách giấy, sách điện tử, sách nói cũng đang là một điểm mới trong xu hướng đọc sách hiện tại, khi có mức tăng trưởng 7,8% trong năm ngoái.
Về xu hướng phát triển của sách điện tử trong tương lai, giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng, trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình thông tin hóa và số hóa việc đọc sách, thậm chí mỗi người dùng có thể xây dựng một kho dữ liệu âm thanh, giọng nói của chính mình, tạo ra cảm giác mới lạ trong đọc sách và lĩnh hội những kiến thức từ sách vở. Thời gian tới, cơ quan quản lý xuất bản Trung Quốc dự kiến kết hợp hài hòa giữa đọc sách điện tử và truyền thống, đẩy mạnh số hóa các nội dung chất lượng cao trên internet, đổi mới và thúc đẩy ngành sách điện tử phát triển hơn nữa.