Trong số đó có khu đất dự án Khu công nghiệp (KCN) Phong Phú (huyện Bình Chánh, TPHCM), rao giá khởi điểm 7.600 tỷ đồng. Thông tin này làm người dân tại đây hoang mang, lo lắng, vì thực tế nhiều hộ vẫn chưa được đền bù giải tỏa.
Việc Sacombank phát thông báo tổ chức đấu giá bán khu đất dự án KCN Phong Phú gây bất ngờ cho chính quyền và người dân xã Phong Phú. Đây là KCN được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2002, nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, có diện tích 134ha (gồm 67ha đất công nghiệp, 67ha đất dịch vụ công nghiệp). Sau hơn 15 năm được giao đất, chủ đầu tư mới thực hiện đền bù được 120,2ha, còn 13,8ha chưa đền bù cho người dân. KCN chưa thành hình, nhiều chỗ vẫn là bãi đất hoang hóa, cây dại mọc um tùm.
Từ khi nhận được thông tin Sacombank bán đất dự án KCN Phong Phú để thu hồi nợ, người dân xã Phong Phú như ngồi trên lửa.
Ông Phùng Quốc Việt, người phát ngôn của UBND xã Phong Phú, lo lắng: “Quyền lợi của hàng trăm gia đình sẽ bị ảnh hưởng. Người dân thắc mắc về việc các hộ chưa giải tỏa có được đền bù tiếp không? Những gia đình đã nhận tiền đền bù nhưng nền đất vẫn chưa làm xong thủ tục, liệu chủ đầu tư mới có tiếp tục thực hiện? Những vấn đề đó đã được lãnh đạo xã Phong Phú làm văn bản báo cáo cấp trên để có biện pháp xử lý giải quyết kịp thời”.
Đi tìm câu trả lời
Vấn đề đặt ra là khi 13,8ha đất của dân trong dự án KCN Phong Phú chưa giải tỏa, đền bù, nhưng Sacombank đã mang bán đấu giá, thì có đúng quy định pháp luật không? Quyền lợi người dân có được bảo đảm không?
Theo luật sư Trần Đình Dũng, ngân hàng được phép nhận thế chấp tài sản hợp pháp khi cho vay và được bán phát mãi tài sản để thu hồi nợ. Đối với đất đai, ngân hàng chỉ có quyền nhận thế chấp khi khách hàng có quyền sử dụng đất. Vì thế, Sacombank chỉ được quyền đấu giá đối với số diện tích đất đã đền bù. Đất thuộc quyền sử dụng của người dân do chính quyền thu hồi giao cho doanh nghiệp làm dự án, nên việc bồi thường phải theo Luật Đất đai, dưới sự giám sát của chính quyền. Để người dân có đất trong dự án không phải chịu nhiều thiệt thòi, cần có biện pháp, quy định cụ thể đối với những trường hợp đã giao đất cho chủ dự án nhưng người dân chưa nhận nền đất tái định cư, thì chủ đầu tư mới hay chủ cũ tiếp tục thực hiện trách nhiệm với người dân.
Trả lời về vấn đề này, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, cho biết: “Tài sản được Sacombank đưa ra đấu giá là quyền tài sản phát sinh từ việc đền bù tại dự án KCN Phong Phú, chứ không phải là dự án KCN Phong Phú. Do vậy, việc Sacombank tiến hành bán đấu giá quyền tài sản này sẽ không phụ thuộc vào tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án. Nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tiến độ hoàn thiện pháp lý dự án và cuộc sống của các hộ dân liên quan dự án, khi tiến hành bán đấu giá, Sacombank đã công bố công khai điều kiện với người trúng đấu giá tài sản: Phải có trách nhiệm thực hiện đền bù phần đất chưa bồi thường diện tích 13,8ha và tái định cư cho 201 hộ dân đã thu hồi đất.
Theo đó, người trúng đấu giá sẽ kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ đối với dự án KCN Phong Phú và phối hợp với chủ đầu tư để tiếp tục giải quyết dứt điểm việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Thực tế, chủ đầu tư không còn năng lực để tiếp tục thực hiện dự án, do đó việc bán đấu giá tài sản thành công sẽ giải quyết được cùng lúc nhiều tồn đọng lâu nay liên quan đến dự án, đặc biệt là vấn đề tái định cư và giải tỏa tình trạng bức xúc, khiếu nại kéo dài từ các hộ dân. Việc bán đấu giá thánh công sẽ chọn được chủ đầu tư mới có đủ năng lực triển khai thực hiện dự án, sớm đưa dự án vào hoạt động, giải quyết được tình trạng dự án treo”.