Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long vừa có văn bản gửi tới ĐBQH, tiếp thu, giải trình các ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Giá khởi điểm thống nhất cả nước là 40 triệu đồng
Về giá khởi điểm, tiền đặt trước, quản lý và sử dụng tiền thu được từ đấu giá, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long nêu rõ, hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về giá khởi điểm của biển số xe ô tô đưa ra đấu giá. Nếu việc xác định giá khởi điểm của biển số xe ô tô đưa ra đấu giá áp dụng tương tự như đưa tài sản công ra đấu giá (quy định tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công) thì cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản công sẽ thành lập hội đồng để xác định giá khởi điểm hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá để làm căn cứ quyết định giá khởi điểm.
“Tuy nhiên, biển số xe ô tô là tài sản công đặc thù, việc xác định giá khởi điểm của biển số ô tô để đấu giá là rất phức tạp, không thể xác định, thẩm định được giá trị của mỗi biển số xe, giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào sở thích của người tham gia đấu giá quyết định. Giá khởi điểm chỉ là mức giá ban đầu, trong quá trình đấu giá, tính cạnh tranh giữa những người tham gia đấu giá sẽ quyết định giá trúng đấu giá của biển số đó”, Phó Trưởng Ban soạn thảo dự án Nghị quyết Nguyễn Văn Long lập luận.
Do đó, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Bộ Công an dự kiến đề xuất một mức giá khởi điểm thống nhất trong phạm vi toàn quốc là 40 triệu đồng như ý kiến thẩm tra sơ bộ. Đây là mức giá áp theo mức lệ phí đăng ký cao nhất hiện đang áp dụng tại Hà Nội, TPHCM nhân với 2 lần để bảo đảm tính thống nhất trong đấu giá (mức giá khởi điểm này tương đương 5% giá trị một chiếc xe ô tô phổ biến ở Việt Nam).
Tiền cọc bằng giá khởi điểm
Do giá khởi điểm là 40 triệu đồng, nên nếu áp dụng tiền đặt trước bằng 20% giá khởi điểm theo quy định của Luật Đấu giá tài sản (như một số ý kiến) thì khá thấp, thiếu tính cạnh tranh, đồng thời đảm bảo trách nhiệm của người tham gia đấu giá. Bộ Công an đề nghị quy định tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá (40 triệu đồng). Cơ quan soạn thảo cũng đề nghị áp dụng thống nhất một bước giá trên toàn quốc (5 triệu đồng) để thuận tiện trong quá trình đấu giá trực tuyến, tập trung.
Về tiền thu được từ đấu giá biển số xe ô tô, Bộ Công an đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, theo đó nộp 100% về ngân sách trung ương sau khi trừ chi phí thực hiện đấu giá.
Mở rộng dần quyền của người trúng đấu giá
Liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số ô tô trúng đấu giá theo xe, Bộ Công an cho rằng đây là nghị quyết thí điểm nên Bộ Công an đề xuất phương án người trúng đấu giá được sử dụng và khi bán xe được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá đăng ký cho xe khác; chưa đề xuất phương án người trúng đấu giá có đủ 3 quyền (quyền sử dụng, quyền chiếm hữu, quyền định đoạt), để khi hết thời gian thí điểm, nếu không thực hiện tiếp sẽ không tác động, ảnh hưởng nhiều đến các quyền của người trúng đấu giá. Nếu thực hiện tiếp, căn cứ tình hình thực tế, Bộ Công an sẽ nghiên cứu, đề xuất mở rộng quyền của người trúng đấu giá. Việc hạn chế quyền như trên còn để tránh tình trạng đầu cơ biển số xe ô tô.
Qua nghiên cứu, Bộ Công đề nghị thời gian thí điểm là 3 năm là phù hợp để có căn cứ thực tiến đánh giá hiệu quả, tác động của chính sách.
Tại Khoản 1 Điều 7 dự thảo Nghị quyết đã quy định cụ thể: “Sau khi hết thời hạn thí điểm, người trúng đấu giá biển số, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ như đã quy định tại Điều 3, Điều 4 Nghị quyết này”.