Chỉ dưới 4.000 từ, Người trồng rừng kể câu chuyện về những nỗ lực đơn độc của một người chăn cừu nhằm tái tạo lại một khu vực hoang vắng ở chân núi Alps trong nửa đầu thế kỷ XX. Giống như cuộc đời của tác giả Jena Giono, câu chuyện của người chăn cừu trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới và kéo dài nửa thế kỷ đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại.
Mặc cho những hỗn loạn của cuộc chiến, người đàn ông chăn cừu Elzéard Bouffier lặng lẽ gieo trồng hạt giống mỗi ngày trên vùng đất cằn cỗi ở chân núi Alps. Ông âm thầm trồng cây ngày này qua ngày khác mà không mưu cầu được ghi công hay đền đáp.
Để rồi nhiều năm sau trở về, vùng đất “chỉ thấy có sa mạc” trở thành một khu rừng với cây cối xum xuê, suối chảy trở lại, đồng cỏ cũng bắt đầu xuất hiện, và quan trọng nhất, người ta bắt đầu thấy được sự sống hiện diện trên mảnh đất.
Người trồng rừng được Chân Quy Nghiêm chuyển ngữ, sách dày 52 trang được minh họa màu sinh động, bắt mắt từ họa sĩ trẻ Trần Quốc Anh. Sách được in màu toàn bộ cùng với hình thức bìa cứng trang nhã. Đây sẽ là món quà nhỏ vô cùng ý nghĩa, dễ thương dành tặng cho bạn đọc yêu cây, yêu rừng và yêu những điều bé nhỏ tử tế.
Hơn 60 năm sau khi ra mắt, Người trồng rừng nhắc nhở chúng ta về sức mạnh tiềm ẩn của việc gieo hạt, chăm bón kiên nhẫn khi mọi thứ xung quanh dần cằn cỗi. Nó gửi đi thông điệp rằng những nhiệm vụ dù khiêm tốn nhất, khi được thực hiện với tình yêu thương, sẽ nhân giá trị lên gấp trăm lần ngay cả khi không ai chú ý.
Với nội dung đặc sắc, vượt thời gian; Người trồng rừng được chuyển thể thành phim năm 1987 và đoạt giải Cành Cọ Vàng loại Phim ngắn tại Liên hoan phim Cannes năm 1987, giải Oscar cho Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất năm 1988. Cuốn sách cũng được Thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên đọc bởi triết lý Phật giáo trong đó: hạnh phúc khi cho đi mà không mưu cầu nhận lại.
Jean Giono (1895-1970) được tôn vinh là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của văn học Pháp thế kỷ XX. Ông là tác giả của hơn 30 cuốn tiểu thuyết, một số truyện ngắn, tiểu luận, thơ ca, kịch bản phim và kịch. Trong những năm cuối đời, Giono được vinh danh với giải thưởng văn học Prince Rainier of Monaco năm 1953, trao cho những thành tựu cả đời của ông. Trong một cuộc phỏng vấn ngay trước khi ông qua đời, ông chia sẻ rằng: “Quyển sách không mang lại cho tôi một xu nào, và đó là lý do nó hoàn thành sứ mệnh của nó khi tồn tại". Jean Giono từ chối nhận tiền bản quyền cho câu chuyện, ông giải thích rằng mục đích của ông khi khi viết Người trồng rừng là khuyến khích mọi người yêu cây và tạo cảm hứng trồng cây. |