Giá giảm mạnh
Tại Lâm Đồng - một trong những địa phương trồng và cung cấp hoa lớn nhất cho TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, giá hoa đang có xu hướng giảm so với chỉ một tuần trước đó. Ghi nhận trong ngày 4-2 (23 tháng Chạp) tại nhiều nhà vườn ở Đà Lạt, hoa cúc chùm chỉ còn 8.000 đồng/bó, trong khi tuần trước đó có giá từ 10.000 - 12.000 đồng/bó, cúc lưới 22.000 đồng/bó giảm 4.000 đồng/bó, lily giá 100.000 đồng/bó (5 cành) giảm 20.000 - 30.000 đồng/bó, lily loại chậu giá 40.000 đồng/chậu (3 cây) giảm 20.000 đồng/chậu, sa lem 35.000 đồng/kg giảm 5.000 đồng/kg, cát tường 60.000 đồng/kg giảm 20.000 đồng/kg (2 loại hoa này người nông dân tính ký khi bán)…
Anh Nguyễn Kim Phượng (một nông dân ở phường 12, TP Đà Lạt) tâm tư, một số thương lái tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc lo lắng hoa không tiêu thụ được nên hiện giờ chỉ nhập đủ số hàng bằng với tiền đã đặt cọc. Phần còn lại vẫn bỏ lửng, chưa biết có chốt mua tiếp không. Tôi đang tìm nguồn tiêu thụ khác nhưng cũng chưa biết sao…”.
Còn tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, theo Hội Nông dân xã, nếu như vào thời điểm này mọi năm, các tiểu thương từ Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam đã thuê xe đậu dài khắp các ngả đường trong xã tấp nập lấy hoa, thì năm nay khung cảnh ảm đạm hẳn. Xe vẫn “ăn hàng” nhưng với tốc độ khá chậm và giá đã giảm nhiều.
Ông Đoàn Xuân Thành, nông dân ở xã Hiệp An, cho biết: “Gia đình tôi đầu tư 2 sào (2.000m2) trồng lay ơn. Chỉ mới tuần trước giá bán lay ơn loại 1 còn ở mức 35.000 đồng/bó 10 cành, nhưng dịch xuất hiện trở lại khiến giá hoa giảm một nửa”. Cách đó vài dãy nhà, bà Nguyễn Thị Kim Cúc, chủ vựa hoa tại thôn Định An, xã Hiệp An, thở dài: “Thời điểm trước khi dịch bùng phát, mỗi ngày vựa hoa của bà đóng khoảng 100.000 cành lay ơn cho các đầu mối, nhưng hiện nay dù vào cao điểm nhưng cũng chỉ đóng được khoảng 50.000 cành/ngày”.
Còn ở Đồng Nai, tại vườn hoa cúc vạn thọ của gia đình ông Nguyễn Văn Danh, người có thâm niên 40 năm làm nghề trồng hoa cúc ở phường Bửu Long, TP Biên Hòa, không khí thu hoạch hoa khá nhộn nhịp. Tuy nhiên, ông Danh vẫn tâm tư: “Hôm nay, gia đình tôi thu hoạch khoảng 3.000 cây hoa cúc vạn thọ màu vàng để đưa ra chợ Biên Hòa bán… nhưng thực lòng hơi tiếc, vì giá bán chỉ được khoảng 5.000-6.000 đồng/cây cúc vạn thọ, bằng nửa giá so năm trước”.
Tại làng hoa Bà Bộ, TP Cần Thơ, bà Đỗ Thị Hoa, một hộ trồng hoa lâu năm ở đây lo lắng: “Hiện có đến 3 mối lấy hàng quen hàng năm, trong đó có người đặt tới 1.000 chậu hoa nhưng chưa đến lấy”.
Sức mua ảm đạm
Ghi nhanh thị trường hoa tại TPHCM, các loại hoa tươi phục vụ tết khá phong phú. Tuy vậy, tiểu thương ở một số điểm kinh doanh cho hay, sức mua giảm; người mua chưa quyết định chọn hàng mà chủ yếu thăm dò giá cả. Thậm chí, trong ngày tiễn ông Công, ông Táo nhưng hoa tươi vẫn bán khá chậm. Bông vạn thọ bày khá nhiều, chờ người mua…
Theo anh Văn Tâm, một tiểu thương chuyên kinh doanh hoa tươi trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình), năm nay các nhà vườn ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Đồng Tháp đều thận trọng do lo ngại dịch Covid-19, nên thu hẹp quy mô đơn hàng. Tiểu thương cũng không dám nhập hàng về nhiều.
Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cho biết: “Chúng tôi khuyến khích người trồng hoa tăng cường đưa sản phẩm hoa lên các trang, hội nhóm kinh doanh hoa trên mạng xã hội để bán. Người bán nên công khai giá để người mua rộng đường tiếp cận sản phẩm, giá cả”. |
Năm nay, tại TPHCM các loại hoa hồng, tầm xuân, đào bích mini… được chào bán khá nhiều. Chẳng hạn, chậu tầm xuân loại vừa, có giá từ 400.000-500.000 đồng/chậu; hồng vàng, đào bích có giá từ 150.000 - 250.000 đồng/cây hoặc cành. Tuy nhiên, để bán được hàng, nhiều cửa hàng đã tặng thêm cho khách gói dưỡng hoa giúp hoa tươi lâu, bền màu.
Ở vườn lan Hoàng Gia - khá nổi tiếng ở TP Biên Hòa, anh Nguyễn Thành Tín, chủ vườn, tâm sự, để chuẩn bị hoa lan bán vào dịp tết, từ 10 ngày trước anh đã nhập về 10.000 nhánh phong lan. Trong các loại phong lan, đắt nhất là lan đại hồ điệp với giá 1 triệu đồng/nhánh, lan đột biến có giá bán 250- 300.000/giò. Tuy nhiên, không biết sức mua, giá cả sắp tới thế nào.
Năm nay, cũng là thời điểm khó khăn với nhiều tiểu thương bán hoa mai ở Đà Nẵng. Theo ông Trần Quốc Đạt, chủ vựa hoa mai trên đường 30 tháng 4 (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), mấy năm trước, đến thời điểm này đã bán được hơn 50% lượng hoa, nhưng năm nay chỉ bán được vài cây trong tổng số gần 100 cây bày bán ở đây. Trong khi đó, anh Mai Văn Hóa, tiểu thương bán hoa trên đường Lê Duẩn, TP Huế cho biết, do ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ cuối năm 2020, nên tết này hầu như vắng bóng mai vàng đặc trưng của Huế. Các loại hoa đồng tiền, ly, tulip và cúc vàng, khá phong phú nhưng có rất ít người mua.
Theo nhiều chuyên gia về kinh tế, nguyên nhân chính khiến thị trường hoa ảm đạm, sức mua kém là do tác động tiêu cực của dịch, nhiều ngành nghề gặp khó, thu nhập của người dân giảm đi. Hoa lại không phải là mặt hàng thiết yếu nên luôn là lựa chọn sau những mặt hàng cần thiết cho đời sống hàng ngày.
Thoát lỗ nhờ thay đổi kịp thời
Đánh giá được tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong vụ tết năm trước, nhiều nông dân trồng hoa kiểng, đặc biệt là nông dân ở tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre và một số hộ kinh doanh hoa ở Lâm Đồng đã chủ động giảm lượng hoa tết, tăng lượng cây kiểng công trình, triển khai thêm cách bán hàng online nên vẫn đảm bảo được thu nhập.
Ghi nhận của phóng viên tại 2 làng hoa kiểng lớn ở ĐBSCL (là Chợ Lách, tỉnh Bến Tre và Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), số lượng hoa kiểng tết đến nay đã tiêu thụ trên 70%, giá cả ổn định, thậm chí có loại cao hơn năm trước 3%-5%.
Tại bờ kè Sa Đéc (TP Sa Đéc), mọi năm vào những ngày giáp tết, không khí tấp nập, trên bến dưới thuyền, nườm nượp xe container, ghe hàng cả chục tấn neo đậu để mua hoa… Riêng năm nay, không khí mua bán có giảm, bởi người dân đã chủ động giảm lượng hoa tết, đồng thời đẩy nhanh việc tiêu thụ từ rất sớm. Đặc biệt, tuần lễ “Du lịch Đồng Tháp 2021” vừa qua là cơ hội giúp nhiều hộ bán hoa kiểng phục vụ cho việc trang trí tiểu cảnh lễ hội, đồng thời bán lẻ cho khách du lịch…
Bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế, TP Sa Đéc, cho biết: “Chúng tôi định hướng cho người dân giảm bớt lượng hoa tết, tăng lượng kiểng công trình, nên dù ảnh hưởng bởi dịch nhưng nông dân vẫn có lãi. Kiểng công trình nếu không bán được liền thì có thể bán sau tết, kiểng càng lớn giá tiền càng cao và có thể phục vụ cho khách du lịch tham quan. Chẳng lo ế”.
Ở làng hoa kiểng Chợ Lách, ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), cho biết: “Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con bán hàng bằng nhiều hình thức, đặc biệt là bán sớm tại chỗ cho thương lái với khoảng 70% sản lượng, nên đến thời điểm này chỉ còn khoảng 30% số hoa tết chưa tiêu thụ. Với tình hình dịch ở miền Tây chưa phức tạp thì trong mấy ngày tới, bà con sẽ tiêu thụ hết số hoa này ở các chợ tỉnh, chợ nông thôn…”.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên nhiều chủ vườn, chủ cửa hàng kinh doanh song song cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Đây được đánh giá là một giải pháp thích hợp trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chị Hồ Thu Hòa, một nhà vườn ở TP Bảo Lộc, Lâm Đồng chuyên trồng và cung cấp hàng trăm ngàn cây cho khắp cả nước, cho hay, cho đến thời điểm này, nhà vườn chị bán được khoảng 50.000 cây lan, với giá sỉ từ 140.000 - 150.000 đồng/cây, tùy loại 1 hoặc loại 2.
Hiện nhà vườn của chị Hòa không còn hàng. Thế nhưng, cũng phải nói, những người may mắn như chị Hòa không nhiều, bởi để bán được hàng hoa trực tuyến, nhà vườn phải xây dựng được uy tín và có phương pháp bảo quản hoa trong quá trình di chuyển tốt. Trong khi đó, nhiều nông dân trồng hoa hay chủ các cửa hàng bán hoa nhỏ chưa làm được điều đó.
Sức mua giảm, người trồng hoa khó khăn là vậy nhưng… chưa hết, giá cước vận chuyển hoa đang tăng khiến người trồng hoa lại càng thêm khó. Hiện nhiều nhà xe trên địa bàn TP Đà Lạt đã thông báo áp dụng giá cước vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh, thành trong nước, thời gian từ 18 tháng Chạp tăng từ 25% - 40% so với ngày thường. |