Không khó để thấy kha khá bạn trẻ có thói quen mang theo bình đựng của mình, đồng nghĩa với việc chọn nói không với rác thải nhựa, với việc xả ra môi trường rất nhiều ống hút, ly tách dùng một lần rồi bỏ.
Và đâu đó, bạn cũng dễ dàng “chạm” nhiều hình ảnh đẹp, nhân văn, đầy tình người. Kiểu như anh chở hàng vừa bị ngã xe, đã thấy có người trẻ ngang qua dừng lại, đỡ đần. Cuộc sống nhiều nghi ngại hơn, nhưng chẳng vì thế mà lòng tốt bị mai một hoặc biến mất.
Mẹ tôi đã kể về lần gần đây, được nhường lượt khám bệnh từ một cậu thanh niên còn rất trẻ. Tôi chợt nhớ hôm trước tiếp xúc với vài bạn theo bố mẹ đến tham dự “Ngày hội gia đình” của một nhóm nọ, và nhận ra “lũ nhỏ” vẫn ngoan theo một cách nào đấy. Tức là còn có đứa khoanh tay chào, nhiều lời hỏi thăm, lễ phép.
Đâu đó còn vài trách cứ, chê bai, kiểu như vô tâm, ít nỗ lực, quen sử dụng các “quyền trợ giúp” có sẵn từ cha mẹ; thế hệ 2K, Gen Z, Gen Y này nọ... Thế nên, thật may mắn, giữa một số thông tin đáng buồn, đáng lo, vẫn thấp thoáng và bền bỉ những ánh sáng của niềm tin và hy vọng.
Một thế hệ trẻ đang dần lớn lên, trưởng thành, thừa hưởng nền giáo dục, văn hóa và cả thông tin rộng mở, đang mạnh dạn và tử tế làm chủ thành phố này, đất nước này.
“Thanh xuân bất hạnh” khi không được nhặt rác ở phố đi bộ, hay chẳng biết đến đường sách, đặt chân xuống địa đạo Củ Chi, mà chỉ toàn lướt mạng, chơi game, cày bài vở như một con cú đêm mỏi mệt. Bạn của con tôi đã viết như thế trong một bài đăng, và tôi tin rằng, mẹ của đứa nhóc ấy sẽ vui mừng và tự hào về con xiết bao.
Có kiến thức, có sự lương thiện được thừa hưởng từ nếp nhà, hẳn chúng ta có thể lạc quan mà kỳ vọng vào một ngày mai, khi những bạn trẻ ít nhiều giỏi giang và năng động ấy trưởng thành. Một lớp người mới với tư duy hiện đại và tiến bộ, thật đáng quý biết bao.
“Tụi trẻ bây giờ giỏi quá, nắm bắt nhanh và sáng tạo lắm”. Bạn từng thốt lên câu đó chưa? Từng chuyện nhỏ nhặt thế thôi, mà khiến tôi bồi hồi xúc động. Cảm giác cuộc sống xung quanh vẫn đủ ấm áp để mình mỉm cười hài lòng.