Những ngày xuân Ất Tỵ 2025, nếu như mọi người chọn cách nghỉ ngơi thì chị Y Gia Nhi (sinh năm 1995, thôn Mô Bành 1, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), vẫn đang miệt mài chuẩn bị lều bạt, các món ẩm thực và các đội cồng chiêng để đón khách. Chị cũng tự tay gói rất nhiều bánh chưng để tặng du khách “xông đất” trong dịp năm mới.
“Trước tết, mình cùng người trong làng đã phục vụ khách đến 29 Tết. Từ Mùng 1 Tết trở đi, khách cũng đặt kín lịch”, Y Gia Nhi mở đầu câu chuyện.
Theo Y Gia Nhi, xã Đăk Na được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan đẹp. Đó là những cánh rừng nguyên sinh; thác công chúa Siu Puông tuyệt đẹp; đồi cỏ xanh mướt; hệ thống ruộng bậc thang và đồi săn mây. Đăk Na cũng là nơi lưu giữ kho tàng văn hóa vô giá của đồng bào Xơ Đăng. Những yếu tố này khiến du khách yêu quý, chọn Đăk Na làm điểm tham quan, trải nghiệm.
Y Gia Nhi cho biết, bản thân vốn sinh ra tại xã Đăk Na. Hơn 2 năm trước, chứng kiến nhiều vị khách đến làng hỏi thăm đường lên thác Siu Puông, trong đầu chị lóe lên suy nghĩ, vì sao bản thân không tự thiết kế tour để dẫn khách tham quan cảnh đẹp địa phương. Nghĩ là làm, chị lên mạng tìm hiểu về cách thiết kế tour; xây dựng các kênh quảng bá; kết nối với các công ty du lịch… Chị còn liên kết với khoảng 60 người đồng bào Xơ Đăng trong xã để lập các đội chiêng, múa xoang; đội xe thồ; đội ẩm thực để cùng phục vụ khách.
Khi mọi thứ đã sẵn sàng, chị quyết định mở cửa nhận dẫn khách đi tham quan thác Siu Puông. Lượng khách ngày càng đông, chị xây dựng thêm các tour dẫn khách đi dã ngoại, cắm trại, leo núi, săn mây, ngắm vườn dược liệu quý. Có đoàn du lịch, chị phải phục vụ đến 30 khách.
Đến nay, chị Y Gia Nhi đã có 2 năm thiết kế tour cho du khách đi tham quan, thưởng lãm cảnh đẹp núi rừng, thiên nhiên xã Đăk Na. Mỗi năm, nhóm của chị phục vụ cho khoảng 800 khách ở các tỉnh thành trên cả nước. Những vị khách của chị đều là những người yêu thiên nhiên, đam mê trải nghiệm. Có khoảng 60 người đồng bào Xơ Đăng hưởng lợi lớn từ việc liên kết làm du lịch với chị thông qua chở khách; phục vụ cồng chiêng, ẩm thực, bán đặc sản địa phương.
“Ngoài thu nhập mang lại cho khoảng 60 người đồng bào Xơ Đăng, điều mình vui là được tự tay quảng bá vẻ đẹp du lịch, bản sắc văn hóa của địa phương, của đồng bào Xơ Đăng đến du khách trên cả nước. Mình cũng rất vui khi những người khách cũ được mình phục vụ, họ lại kết nối đoàn khách mới cho mình. Điều này chứng minh họ rất thích cảnh đẹp và văn hóa quê hương mình nên muốn chia sẻ cho người thân đến thưởng lãm”, Y Gia Nhi nói.
Cũng theo Y Gia Nhi, trong định hướng sắp tới, chị sẽ tiếp tục cùng người dân trong làng phục vụ khách du lịch, nhưng hướng đến sự chuyên nghiệp hơn.
“Hiện mình đã làm nhà sàn để đón khách. Các đội chiêng sẽ tăng cường tập luyện để sẵn sàng phục vụ khách, giúp hình ảnh Đăk Na tuyệt đẹp lan tỏa mạnh mẽ trên cả nước”, chị Y Gia Nhi nói.
Theo UBND huyện Tu Mơ Rông, Y Gia Nhi là người trẻ năng động, yêu thiên nhiên. Thời gian qua, nhận ra tiềm năng du lịch địa phương, chị đã tích cực thành lập các hội nhóm để làm du lịch, trực tiếp đón, dẫn khách đi tham quan, leo thác, cắm trại. Nhờ đó, người dân trong làng có nguồn thu nhờ phục vụ du lịch. Cũng nhờ chị, hình ảnh du lịch địa phương được nhiều du khách biết đến; văn hóa đồng bào Xơ Đăng trên địa bàn được quảng bá rộng rãi ra bên ngoài.