Trước hết là tinh thần lạc quan
Mới đây, tại buổi tọa đàm “Ngồi lại với tương lai” do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức, từ quan sát và trải nghiệm cá nhân, các diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra lời khuyên bổ ích dành cho người trẻ trên con đường xây dựng môi trường phát triển và hoạch định tương lai. Trong đó, theo GS-TS, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân, tương lai là do chúng ta quyết định, tùy thuộc vào cách nhìn nhận của bản thân với cuộc sống và sự lạc quan là chìa khóa quan trọng cho điều này.
“Lời khuyên tôi dành cho thanh niên hiện nay là tương lai không phụ thuộc vào số phận, mà nằm ở việc các bạn có tinh thần lạc quan hay không. Muốn xây dựng tương lai của mình, điều tiên quyết là có cách nhìn, tinh thần lạc quan và từ đây, người trẻ tìm thấy niềm đam mê về ngành, nghề nào đó, có lý tưởng và xác định mục tiêu sống trong cuộc đời. Sau đó, các bạn cố gắng học tập để trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực; rèn luyện kỹ năng sống và thiết lập những thói quen tốt để trở thành những người có trình độ chuyên môn về lĩnh vực mình đam mê. Hơn hết, hướng tới nắm bắt cơ hội và tạo dựng một tương lai xán lạn”, GS-TS Võ Tòng Xuân chia sẻ.
Còn TS Quách Thu Nguyệt thì cho rằng, tương lai không ai đoán định được nhưng chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay, hoàn toàn có thể tạo dựng tương lai của chính các bạn. “Ngoài sự lạc quan, quan điểm tích cực, điều quan trọng là người trẻ cần phải có ước mơ, phải dám khao khát và dám thực hiện. Song hành với đó, cần nghiêm túc chuẩn bị cho từng bước trên lộ trình đến tương lai của mình”, bà bày tỏ.
Và dù quan điểm mỗi người mỗi khác, nhưng tất cả cũng đồng thuận một quan điểm, tương lai nằm trong tay mỗi người trẻ nếu chúng ta có ước mơ, dấn thân để trải nghiệm và sống với thái độ tích cực. Những hy vọng, lý tưởng sống tốt đẹp sẽ trở thành nguồn động lực to lớn và nền tảng kiên cố để người trẻ vững bước trên hành trình đánh thức tiềm năng và kiến tạo cuộc sống cho chính mình.
Đừng để lỗ hổng thiếu kỹ năng sống
Tuy nhiên, một thực tế hiện không chỉ các chuyên gia mà chính nhiều người trẻ cũng đang tự cảnh báo, là việc một bộ phận người trẻ dường như lãng quên hay xem nhẹ việc trau dồi các kỹ năng sống cần thiết. Điều này dẫn đến việc các bạn dù sở hữu kiến thức nền tảng tốt, nhưng cách ứng dụng làm sao vào thực tế, xử lý các tình huống phát sinh vẫn chưa được đánh giá cao. Để thích nghi và phát triển trong môi trường đó, thế hệ trẻ không chỉ bồi dưỡng tri thức từ sách vở, trường học… mà cần rèn luyện các kỹ năng sống để ứng phó linh hoạt với nhu cầu sống, giải quyết khó khăn một cách hiệu quả.
Là người từng trải qua giai đoạn khó khăn trong quá trình định vị bản thân và lập kế hoạch cho tương lai, Nguyễn Lam Anh (26 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) kể: “Thời điểm đó, tôi cảm thấy hoang mang và lạc lối trên con đường mình đi. Dù đã tốt nghiệp đại học, nhưng tôi tự nhận thấy kỹ năng sống của mình vẫn còn thiếu sót và chưa thực sự sẵn sàng để theo đuổi công việc mà tôi mong muốn. Tôi biết là tôi sẽ không thể từ bỏ. Với thái độ tích cực, bình tĩnh, tôi cố gắng dành thời gian để học thêm các kỹ năng mềm và tích lũy vốn sống cho bản thân”.
Lam Anh cho biết, cô đã tìm kiếm các khóa học, đặc biệt là xây dựng thói quen đọc sách để bổ trợ cho lĩnh vực chuyên môn và tạo tính kỷ luật cho mình. “Tôi học thêm ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng Hàn, các khóa dựng, chỉnh sửa video, cách quản lý thời gian và tham gia một số hoạt động cộng đồng để học hỏi kinh nghiệm, cũng như tạo sự kết nối với mọi người. Nhờ đó, tôi tìm thấy giá trị của mình, biết được lẽ sống và giúp ích cho xã hội”, cô nói thêm.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, có những kỹ năng cơ bản nhưng rất quan trọng mà chúng ta, nhất là người trẻ, cần học tập và tôi luyện để tạo dựng một tương lai tích cực: kỹ năng ngoại ngữ; cách ứng dụng và tận dụng lợi ích của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu, nâng cao tri thức; mở rộng kiến thức ở đa dạng lĩnh vực và các kỹ năng mềm, gồm: chăm sóc sức khỏe, lập kế hoạch, giao tiếp, quản lý thời gian…