Người trẻ kể chuyện xưa

Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ đã có sự sáng tạo trong tác phẩm dựa trên chất liệu văn hóa dân gian, bao gồm truyện cổ tích. Nhờ vậy, đã có thêm những tác phẩm mang đậm văn hóa Việt đồng thời chuyển tải hơi thở mới mẻ của thời đại.

Ngày 20-10, tại TPHCM, với mong muốn giúp khán giả khám phá chiều sâu trong những câu chuyện cổ tích vốn đã quá quen thuộc với người Việt Nam, nhóm Người kể chuyện phim kết hợp hai đơn vị đồng hành là SONY và dự án Vó ngựa hồng cùng tổ chức buổi workshop “Người nay kể chuyện xưa”.

Khách mời là tác giả sách kiêm nhà giáo Phi Yến, cũng là người dẫn chuyện cho phim âm thanh Tấm Cám - Cổ tích không phép màu được đăng tải trên kênh YouTube Người kể chuyện phim, và nhà văn trẻ Đỗ Quang Vinh.

IMG_3494.jpg
Nhà văn trẻ Đỗ Quang Vinh và tác giả Phi Yến chia sẻ tại buổi workshop

Cổ tích Việt Nam không chỉ là những câu chuyện dân gian được truyền miệng, mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa sâu sắc, những bài học về đạo đức, truyền thống của dân tộc… Tuy nhiên, để có thể truyền tải những câu chuyện này qua các sản phẩm truyền thông nghe nhìn hiện đại; đặc biệt, làm sao thể hiện được bản sắc, cái hồn của văn học dân gian mà vẫn thu hút được sự quan tâm của công chúng, nhất là các bạn trẻ, là điều không dễ dàng.

Đã có rất nhiều câu chuyện cổ tích của Việt Nam trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho những sản phẩm nghệ thuật đến tận ngày nay. Một trong số đó là Tấm Cám.

Ngoài bộ phim điện ảnh Tấm Cám: Chuyện chưa kể của đạo diễn Ngô Thanh Vân vào năm 2016, mới đây còn có thêm phiên bản điện ảnh Cám, khai thác yếu tố kinh dị của đạo diễn Trần Hữu Tấn. Một phiên bản khác nữa cũng được lấy cảm hứng từ truyện cổ tích này là phim âm thanh Tấm Cám - Cổ tích không phép màu, vốn được cải biên từ tiểu thuyết Cổ tích không phép màu (NXB Thanh niên) của tác giả Đào, ra mắt vào năm 2020.

Nhà văn trẻ Đỗ Quang Vinh cho rằng, văn học Việt Nam cũng như thế giới, những câu chuyện từ cổ tích hay văn học dân gian luôn có tính kế thừa trong văn học xuyên suốt mọi thời kỳ.

“Ở Việt Nam, cổ tích cung cấp cho chúng ta những hình mẫu về nhân vật. Như trong truyện Tấm Cám là hình mẫu về mẹ kế, mẹ ghẻ - con chồng. Những câu chuyện cổ tích luôn là nền tảng và chúng ta luôn lấy cảm hứng từ những gì có sẵn, thêm vào thế giới mà chúng ta sống, từ đó tạo nên những câu chuyện của riêng mình”, Đỗ Quang Vinh cho biết.

IMG_3554.JPG
Các bạn trẻ trải nghiệm quá trình thực hiện bộ phim âm thanh "Tấm Cám: Cổ tích không phép màu"

Theo tác giả Phi Yến, truyện cổ tích là một chất liệu rất thú vị để có thể khai thác qua các sản phẩm truyền thông. Ở truyện cổ tích có hai yếu tố quan trọng là bề dày văn hóa (như Sự tích bánh chưng bánh dày, Sự tích trầu cau) và bề dày lịch sử (như Sự tích Hồ Gươm, Sự tích Nỏ thần).

“Đây là những chất liệu mà đến bây giờ còn ít nhà đầu tư hoặc nhà sản xuất khai thác, để vừa lồng văn hóa vừa lồng lịch sử vào những sản phẩm truyền thông. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, tôi thấy nhiều bạn trẻ đặc biệt quan tâm đến văn hóa và lịch sử. Vì vậy đây sẽ là khía cạnh để các nhà đầu tư có thể khai thác được”, Phi Yến chia sẻ.

Tại chương trình, người tham dự đã có cơ hội trải nghiệm sản phẩm phim âm thanh Tấm Cám - Cổ tích không phép màu và tham gia trực tiếp vào quá trình thu âm, thử giọng bằng những thiết bị chất lượng cao. Qua đó, giúp các bạn trẻ nhận ra cổ tích không chỉ là những câu chuyện của quá khứ, mà còn là nền tảng, nguồn cảm hứng bất tận để chúng ta kể lại những câu chuyện hiện đại bằng nhiều góc nhìn mới khác nhau.

Tin cùng chuyên mục