Học thường thức văn hóa truyền thống
Để có thể yêu thích một điều gì đó buộc người ta phải hiểu. Vậy nên, các bạn trẻ bắt đầu ngồi lại với nhau tìm hiểu về ca cổ, hát bội và những chuyến du khảo tìm hiểu về di sản kiến trúc của thành phố. Những tuồng tích, điệu bộ hình thành hơn 100 năm, những câu hát không phải trào lưu đang thịnh hành… nhưng lại thu hút các bạn trẻ. “Trước giờ em chỉ nghe nói đến hát bội thôi, đây là lần đầu tiên được ngồi xem cô chú nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp như thế này. Âm nhạc hiện đại thì mọi người đều có thể nghe và tự cảm nhận, tuồng cổ này coi tới đâu thắc mắc tới đó, nghe cô chú giảng giải từng câu hát, điệu bộ rất hay và ẩn chứa nhiều giá trị nghệ thuật trong đó”, Phan Thị Thanh Thủy (20 tuổi, sinh viên Đại học Sài Gòn) chia sẻ.
Hiếu Văn Ngư (Cultura Fish) là dự án “Kể chuyện văn hóa Việt cho người trẻ” do Lục Phạm Quỳnh Nhi (24 tuổi, ngụ quận 7) và nhóm bạn sáng lập. Hiện tại, Hiếu Văn Ngư thường xuyên tổ chức các hoạt động workshop về ca cổ, chương trình field-trip (chuyến đi thực tế) khám phá bản sắc cá nhân và các khóa học thưởng thức sân khấu cổ điển để bạn trẻ có thể hiểu về các loại hình sân khấu truyền thống, dân gian một cách bài bản.
Tham gia những buổi du khảo tìm hiểu về di sản ở Chợ Lớn và đăng ký lớp tìm hiểu hát bội, Huỳnh Minh Nhân (21 tuổi, ngụ quận 3) chia sẻ: “Đúng là coi hát bội thì phải hiểu mới thấy thích. Được nghe các cô chú nghệ sĩ chỉ dẫn, hiểu vì sao người ta hát như vậy, ra điệu bộ như thế, tự nhiên thấy tuồng cổ hay đến lạ, cảm nhận được những đạo lý ở đời lồng ghép trong các tuồng tích”.
Không chỉ đầu tư những lớp học tìm hiểu hát bội, ca cổ hay những buổi du khảo tìm hiểu di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, những bài viết, hình ảnh chia sẻ lên mạng xã hội cũng được nhóm chú trọng. Quỳnh Nhi cho biết: “Mỗi hình ảnh hay bài viết chia sẻ lên fanpage Hiếu Văn Ngư đều được tôi tìm hiểu rất kỹ từ các tuồng tích, vì sân khấu dân gian, truyền thống đã thu hẹp, nếu chia sẻ kiến thức không chuẩn mọi người sẽ hiểu lệch hướng. Để khán giả, nhất là bạn trẻ có thể cảm và yêu thích được những loại hình sân khấu dân gian, truyền thống thì trước tiên phải cung cấp kiến thức bài bản để các bạn có thể hiểu. Hiểu rồi thì người ta sẽ dễ xem, dễ cảm hơn những tuồng xưa tích cũ”.
Phát huy bản sắc cá nhân
Nói về ý tưởng thành lập Hiếu Văn Ngư, Quỳnh Nhi chia sẻ: “Tôi bắt đầu tham gia các lớp học, hoạt động và tổ chức liên quan đến lịch sử - văn hóa từ năm 2014. Qua quá trình đó, tôi nhận thấy không phải người trẻ nào cũng thờ ơ với lịch sử - văn hóa, và những chất liệu đó có thể trở nên hấp dẫn hơn nếu được lồng ghép thêm hơi thở hiện đại”.
Đầu năm 2020, Quỳnh Nhi dừng cộng tác với một nhóm hỗ trợ các hoạt động tìm hiểu lịch sử, văn hóa, tôn giáo, triết học tổ chức tại quận 5 và dành ra một năm đọc sách, du khảo để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. “Trong thời gian đó, tôi đã nhen nhóm về chú cá Hiếu Văn Ngư - Cultura Fish và đặt bạn mình vẽ logo. Cuối năm 2020, một người bạn giới thiệu cho tôi cuộc thi TechCul do UNESCO Bangkok tổ chức, tôi quyết định thi thử với ý tưởng về chất liệu hát bội. Sẵn dịp này, tôi mời một vài người bạn cùng hợp tác và cho ra mắt Cultura Fish - Hiếu Văn Ngư”, Quỳnh Nhi kể.
8 thành viên của Hiếu Văn Ngư đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như: marketing, hội họa, sư phạm, nhà nghiên cứu, IT; một nửa số thành viên hiện đang học và làm việc ở Mỹ, Australia. Kinh phí để duy trì mọi hoạt động do Quỳnh Nhi cùng nhóm bạn đóng góp và tiền từ giải thưởng TechCul. Quỳnh Nhi bày tỏ: “Chúng tôi không áp lực bản thân là người “bảo tồn” những chất liệu văn hóa lớn lao, mà chỉ đơn giản là tìm thấy niềm vui qua các hoạt động lan tỏa lịch sử - văn hóa. Hiện nay có nhiều nhóm bạn trẻ khác cũng tham gia vào việc kể chuyện lịch sử - văn hóa và tôi nghĩ đó là tín hiệu đáng mừng”.
Tháng 1-2021, chương trình “Hát bội 101” do Hiếu Văn Ngư tổ chức đoạt giải ở hạng mục Nền tảng giáo dục trực tuyến kết nối công chúng với văn hóa và lĩnh vực sáng tạo do UNESCO Asia Pacific (Bangkok Office) và FOSSASIA (một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các nhà phát triển và các nhà hoạch định về công nghệ mã nguồn mở miễn phí, trụ sở tại Singapore) tổ chức. Cuộc thi mang tên TechCul (Technology x Culture) với mục đích tìm kiếm những ý tưởng độc đáo, giải pháp đột phá để hỗ trợ các cá nhân, tổ chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch, sáng tạo tự do ở các nước châu Á - Thái Bình Dương. |