Người trẻ giữ gìn văn hóa bản địa

Trong xu hướng hội nhập toàn cầu, việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là một thách thức lớn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Tại Lâm Đồng, với niềm đam mê và lòng yêu mến văn hóa dân tộc, nhiều bạn trẻ đang tiên phong trong công cuộc giữ gìn và phát huy văn hóa bản địa.

Các bạn trẻ người Churu (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) biểu diễn cùng các nghệ nhân lớn tuổi tại Bảo tàng Lâm Đồng
Các bạn trẻ người Churu (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) biểu diễn cùng các nghệ nhân lớn tuổi tại Bảo tàng Lâm Đồng

Nhiệt huyết trẻ

Sinh ra và lớn lên tại buôn làng Churu bên dòng Đa Nhim huyền thoại, chị Touneh Ma Tina (33 tuổi, thôn Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) ngay từ thuở ấu thơ đã được bà nội - Nghệ nhân ưu tú MaBio nuôi dưỡng tình yêu, niềm đam mê với múa hát và những điệu chiêng truyền thống.

“Hồi nhỏ, Tina thích nghe hát, coi múa, nhất là những hôm gia đình có công việc đãi khách. Lên 8 tuổi Tina đã biết múa, 10 tuổi biết đánh chiêng những bài truyền thống của dân tộc Churu”, bên thềm nhà, Nghệ nhân ưu tú MaBio hào hứng kể về cháu mình.

Touneh Ma Tina từ nhỏ đã múa Arya đẹp mê hồn. Chứng kiến cô gái biểu diễn cho du khách tại Bảo tàng Lâm Đồng, nhiều người liên tưởng đến dáng huyền hoặc của những bức tượng nữ thần được chạm khắc trên trên tháp cổ.

Tina chia sẻ: “Từ nhỏ đã đắm chìm trong những giai điệu của bà, của mẹ nên âm nhạc Churu thấm vào máu lúc nào không hay. Lớn lên, tôi luôn mong ước có thể đưa những giá trị văn hóa của người Churu đến gần hơn với bạn bè trong và ngoài nước qua các buổi biểu diễn tại Hà Nội, Đắk Lắk, Gia Lai và tại quê hương mình”.

Không chỉ biểu diễn, Tina còn là người truyền dạy những điệu múa và nhạc cụ truyền thống cho các bạn trẻ trong cộng đồng. “Chúng tôi đã không ngừng luyện tập để có thể gìn giữ, truyền dạy các điệu múa đặc trưng của người Churu như Tamya Arya, Damtơra và Păhgơnăng. Bên cạnh đó, mỗi thành viên trẻ trong cộng đồng còn chủ động học hỏi thêm nhiều vũ điệu khác như: Bắc Kơ Năng (thờ cúng) và Pro Bray (múa quanh lửa trại)”, Touneh Ma Tina chia sẻ.

Cũng với nỗ lực gìn giữ văn hóa truyền thống, những năm gần đây, anh K’Jona (35 tuổi, phường 6, TP Đà Lạt) liên tục xuất hiện tại các sự kiện văn hóa, các sàn diễn thời trang với những bộ sưu tập thời trang từ vải thổ cẩm. Sinh ra tại Lâm Đồng, sau khi học thiết kế thời trang tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, anh K’Jona đã sang Malaysia làm việc và có nhiều dấu ấn tại xứ người.

Tuy nhiên, khát khao về những trang phục thổ cẩm gắn liền vào cuộc sống hiện đại đã thôi thúc anh trở về quê hương. Những tấm thổ cẩm họa tiết hình học của người K’Ho qua bàn tay khéo léo của nhà thiết kế trẻ đã trở thành những bộ trang phục độc đáo từ bộ váy cưới, áo dài, trang phục cho người lớn, trẻ em, cho đến những vật dụng trang trí như túi xách, thảm trang trí…

“Thổ cẩm của người K’Ho có nhiều họa tiết độc đáo, nhưng chúng tôi vẫn cần làm cho nó phù hợp với thời trang hiện đại. Tôi kết hợp thổ cẩm với các chất liệu khác như vải cotton, lưới, nhung… để tạo ra những sản phẩm ứng dụng cao, không chỉ dành cho lễ hội mà còn cho cuộc sống hàng ngày” anh K’Jona chia sẻ.

Những sản phẩm thổ cẩm hiện đại của anh hiện thu hút được sự quan tâm của không chỉ các cộng đồng bản địa mà còn cả khách du lịch. Khách hàng chủ yếu là các bạn trẻ và gia đình, những người muốn có trang phục đặc biệt cho những dịp quan trọng như cưới hỏi.

Gìn giữ cho tương lai

Ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Người trẻ ở địa phương hiện đang đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhất là tạo ra sự gắn kết giữa văn hóa với kinh tế địa phương”. Một trong những hình thức gắn kết tiêu biểu là việc đưa văn hóa kết nối hoạt động du lịch.

Anh Chu Văn, Giám đốc Công ty Du lịch trải nghiệm Đơn Dương Xanh, cho biết: “Việc gắn kết hoạt động bảo tồn với phát triển du lịch là một hướng đi mới. Một mặt mang đến cho du khách những trải nghiệm, khám phá văn hóa thú vị, mặt khác mở ra nhiều cơ hội để gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa riêng tại các địa phương”.

Việc gắn kết với du lịch và văn hóa cũng góp phần mang lại nhiều lợi ích lớn, chị Lê Thị Thanh (du khách đến từ TPHCM) chia sẻ: “Trước giờ chỉ nghe nói chứ không hiểu nhiều về cuộc sống, văn hóa của bà con trên này. Qua chuyến đi du lịch vừa qua, được xem biểu diễn lễ hội tại các buôn làng, tôi mới hiểu phần nào về các nét văn hóa như vũ điệu, các loại nhạc cụ và quan trọng nhất là lối sống gắn kết giữa các thế hệ trong cộng đồng người đồng bào Churu tại Đơn Dương”.

Những nỗ lực giữ gìn văn hóa bản địa của người trẻ tại Lâm Đồng đã góp phần bảo tồn di sản, tăng cường sự hài hòa giữa văn hóa và kinh tế. Hành trình giữ lửa văn hóa không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của thế hệ trẻ đối với bản sắc dân tộc mình.

Tin cùng chuyên mục