Cô giáo tốp 10 toàn cầu
Ngày 11-11-2020, cô Hà Ánh Phượng, 29 tuổi, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Hương Cần (tỉnh Phú Thọ), chính thức được Varkey Foundation (Quỹ Từ thiện quốc tế về cải thiện chất lượng giáo dục cho trẻ em kém may mắn) công bố lọt vào tốp 10 Giáo viên toàn cầu. Thông tin này mang đến niềm vui không chỉ cho Ánh Phượng mà cho cả ngành giáo dục Việt Nam, cho những ai quan tâm đến đổi mới giáo dục. Ánh Phượng là giáo viên Việt Nam đầu tiên vào tốp 10 và cũng là người trẻ tuổi nhất được giải thưởng Giáo viên toàn cầu cùng 9 giáo viên Italy, Brazil, Anh, Mỹ, Nam Phi, Nigeria, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc.
Ánh Phượng là người dân tộc Mường, cựu sinh viên Đại học Hà Nội. Khi ra trường, cô từng được một công ty dược của Pakistan mời làm giám đốc đại diện kiêm phiên dịch với mức lương hấp dẫn, nhưng đã từ chối để tiếp tục học bậc thạc sĩ ngành sư phạm tiếng Anh. Năm 2016, sau khi trở thành thạc sĩ, cô lại chọn Trường THPT Hương Cần - một ngôi trường miền núi có hơn 85% học sinh là con em các dân tộc thiểu số - để thực hiện ước mơ gõ đầu trẻ của mình. Điều khiến cô trăn trở nhất là làm sao để “bất cứ học sinh nơi nào cũng có thể được hưởng những nền giáo dục tốt nhất” và “học sinh ở miền núi cũng có cơ hội học tập như học sinh ở thành phố”, với tâm niệm “giáo dục là không giới hạn” và “Anh ngữ là sinh ngữ”. Vì thế, 5 năm qua, cô cố gắng tìm hiểu những phương pháp dạy học để thu hẹp khoảng cách mà học sinh mình đang có so với đà phát triển của thế giới.
Mô hình lớp học “xuyên biên giới” mà Ánh Phượng theo đuổi là mô hình các trường học trên toàn cầu được kết nối với nhau qua hội, nhóm giáo viên trong nước và toàn cầu (thường là từ nguồn giáo viên tham gia Diễn đàn Giáo viên sáng tạo toàn cầu của Microsoft). Bằng việc mở ra “lớp học không biên giới”, kết nối học sinh với giáo viên và học sinh các nước khác, cô đưa ra nhiều cách dạy tiếng Anh miễn phí như dạy qua phim ảnh, dự án, tổ chức dạy học online, lập kênh YouTube… “Chỉ cần một chiếc laptop, một đường truyền internet ổn định, tài khoản Skype và tham gia Diễn đàn Giáo viên toàn cầu là có thể kết nối với hàng tỷ giáo viên, học sinh trên toàn thế giới”, cô chia sẻ.
Ánh Phượng đã cùng một nhóm giáo viên dạy trực tuyến miễn phí cho trẻ em nhiều quốc gia, dù đó là trẻ em một khu phố nghèo ở Ấn Độ hay những trẻ em gốc Việt tại California (Mỹ). “Tôi hiểu rằng, việc mình chia sẻ những kiến thức chuyên môn, những bài giảng về ứng dụng công nghệ thông tin tới những người đồng nghiệp chính là cách làm thiết thực để xây dựng xã hội học tập tốt hơn”, cô tâm sự.
Không quên cội nguồn
Sau 3 năm học ở Mỹ và 16 năm sinh sống, học tập và làm việc tại New Zealand, chị Trịnh Thị Thúy Liên cho biết đã về Việt Nam khoảng 2 năm qua. Được học tập và nghiên cứu trong những môi trường giáo dục tốt trên thế giới, nhưng với chị, Việt Nam luôn là cội nguồn để nhớ về và tự hào. “Dù làm gì, ở đâu, tôi không quên mình là người Việt Nam. Gần 20 năm học tập, làm việc ở nước ngoài, tôi luôn mong muốn trở lại quê hương, áp dụng kiến thức mình học được, xây dựng những chương trình có ích và hỗ trợ sự phát triển về y tế, giáo dục của Việt Nam”.
Từng quản lý dự án cộng đồng tại Hội đồng Đa chủng tộc và đối tác tiếng Anh tại Dunedin, New Zealand (2013-2018), khi trở về Việt Nam, chị Liên làm giám đốc điều hành một bệnh viện quốc tế và hiện là nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ (Đại học Otago, New Zealand) trong lĩnh vực y tế cộng đồng tại TPHCM. Với mong muốn được sống và làm việc ở quê hương, chị Liên đổi chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ (khoa Giáo dục và giáo dục sau đại học) từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến. Chị bộc bạch: “Khi đổi sang học từ xa, tôi được thầy cô hoàn toàn ủng hộ và theo dõi quá trình nghiên cứu của tôi rất tận tình. Học ở đâu cũng vậy, nhưng học và áp dụng ngay trên quê hương là điều tôi luôn mong muốn”.
Tình yêu, sự gắn kết với cội nguồn Việt Nam cũng được chị Liên truyền cho con trai. Dù sinh ra và lớn lên tại New Zealand nhưng Jayden Trịnh từng khiến khán giả trong nước quan tâm, yêu mến khi tham gia một cuộc thi âm nhạc trên truyền hình tại Việt Nam vài năm trước. Jayden có thể chơi thành thạo đàn nhị và hát mượt mà các bài dân ca Bắc bộ, nhạc Trịnh... Chị tiết lộ: “Tôi dạy tiếng Việt cho cháu hàng ngày vì không muốn cháu mất gốc hay quên cội nguồn. Tôi cũng hướng dẫn cháu những món ăn, phong tục truyền thống của quê hương. Cháu đang theo học chương trình phổ thông ở New Zealand nhưng gia đình tôi đã quyết định để Jayden học đại học ở Việt Nam”. Chị Liên còn chia sẻ, cháu nói tiếng Việt rất sõi, mong muốn là đại sứ giáo dục New Zealand ở Việt Nam và luôn ấp ủ những chương trình xây dựng tư duy phản biện, lãnh đạo và làm việc nhóm cho bạn trẻ ở Việt Nam.
Hành trình vạn dặm của Khoa
“Cháu thật dũng cảm! Rất ngưỡng mộ, tự hào vì cháu là người Việt Nam đầu tiên dám làm điều này”; “Một con người có ước mơ, khát vọng lớn lao, không phải ai cũng làm được. Bạn đang đi trong giấc mơ đẹp và hạnh phúc nhất đời người”... Đó là một trong số rất nhiều lời chia sẻ của người Việt khắp nơi dành cho travel blogger Trần Đặng Đăng Khoa (34 tuổi, quê Tiền Giang). Chuyến đi dài 1.111 ngày vòng quanh thế giới bằng xe máy của anh trở thành hành trình đưa hình ảnh người Việt trẻ năng động ra thế giới, là nguồn cảm hứng cho việc dám ước mơ - dám thực hiện, tinh thần khám phá, dấn thân, đương đầu thử thách để chinh phục thế giới rộng lớn.
Trở về nước ngày 16-6-2020 sau 3 tháng mắc kẹt ở Mozambique vì dịch Covid-19, cũng là lúc Khoa kết thúc chuyến đi ý nghĩa nhất của cuộc đời từ trước đến nay. Chiếc xe máy biển số 63 Tiền Giang - Việt Nam của Khoa đã lăn bánh qua tất cả năm châu, hoàn thành chặng đường khoảng 80.000km, bằng 2 lần chu vi trái đất, băng qua đường xích đạo 8 lần, tới 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ những nước phát triển ở Bắc Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ, đến những nước nghèo khó ở châu Phi, Trung Mỹ; rồi vùng Trung Đông, Nam Mỹ, châu Đại Dương, những nơi xa xôi hẻo lánh như Amazon, Greenland hay đảo Svalbard ở sát Bắc cực, xuống nơi tận cùng thế giới ở Patagonia, Nam cực. Khoa có 200.000 tấm ảnh, video và 800.000 từ trong nhật ký hành trình…
Khoa kể, cũng có khi thấy mệt mỏi nhưng khi đó, anh lại nhớ đến lúc bắt đầu, đối mặt với bao hoài nghi, đấu tranh với chính bản thân để thực hiện giấc mơ khám phá thế giới trên những nẻo đường… anh lại tràn trề năng lượng bước tiếp. Khoa vừa đi vừa lo đủ thứ dọc đường, đúng nghĩa sống trên đường - từ visa, giấy tờ xe, bảo hiểm, bằng lái, các loại giấy khác theo yêu cầu từng nước chứ không còn là chuyến đi chơi nữa. Rồi thời tiết có nơi cực lạnh, cực nóng, khô hạn, mưa đá, núi lở, bão lũ, băng tuyết; chưa kể tình hình chính trị, an ninh nước sở tại bất ổn, tai nạn rình rập ở mỗi nẻo đường; rồi bất đồng ngôn ngữ...
Hiện tại, Khoa tập trung thực hiện cuốn sách về chuyến đi này. Toàn bộ tiền bán sách, anh dành gây quỹ cho trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, khó khăn và các tổ chức thiện nguyện trong nước. “Sau những chuyến đi, mình hiểu về thế giới nhiều hơn, hiểu về cuộc sống nhiều hơn. Nhìn thế giới hiện ra bằng chính đôi mắt được ba mẹ ban cho, nhìn những mảnh đời cơ cực và những số phận khác nhau, mình trân quý cuộc đời này và thấy thật may mắn hơn bao người, nhất là những đứa trẻ sinh ra ở nơi khó khăn hơn mình…”, Khoa nói. Đợt rồi, Khoa cho biết, may mắn được dẫn nhóm “Hành trình xuyên Việt - Thách thức khắc nghiệt” lên Hà Giang mà giờ 7 trường học đã được lắp máy nước nóng gián tiếp và năng lượng mặt trời. Học sinh và thầy cô đã có nước ấm vào mùa đông.
Khoa hiện là đại sứ của nhiều chương trình thiện nguyện ý nghĩa, như Operation Smile Vietnam. Trang Facebook của anh không chỉ là nơi đăng ảnh du lịch, mà thông qua mỗi bức ảnh, luôn kèm những thông điệp, chia sẻ, kêu gọi bạn trẻ cùng đóng góp cho các chương trình, quỹ thiện nguyện vì trẻ em khó khăn khắp nơi. Anh còn đấu giá những hiện vật trong chuyến đi 1.111 ngày để gây quỹ giúp miền Trung sau bão lũ, tham gia các đêm nhạc, buổi giao lưu gây quỹ… Khoa cũng là đại sứ hình ảnh Lễ hội Áo dài TPHCM 2020. Trong hành trình qua 65 nước, anh đã mang theo chiếc áo dài Việt Nam. Anh chia sẻ: “Mấy lần ở nước ngoài, được mời dự tiệc, mình đã mặc áo dài và thật sự tự hào khi nhiều người hỏi về trang phục nước mình. Mình sẽ mặc nhiều hơn, sẽ nói cho mọi người biết đây không chỉ là trang phục mà còn là nét văn hóa truyền thống đất nước mình”.