Đó là một trong hàng ngàn trường hợp đang mắc phải suy thận mạn và theo đánh giá của Hội Niệu - Thận học TPHCM, bệnh nhân suy thận ngày càng trẻ hóa.
Lay lắt chạy thận
Tuy có “thâm niên” chạy thận đã một năm, nhưng khi bước ra từ phòng chạy thận nhân tạo của BV Nhân dân 115, H.T.T. không tránh khỏi vẻ mệt mỏi và ngán ngẩm. “Một năm trước, khi đi học về, em cảm thấy trong người đột nhiên mệt, sốt, không đi tiểu được. Sau đó, gia đình đưa đi khám tại một BV và bác sĩ chẩn đoán bị suy thận cấp độ 4. Từ đó, mỗi tuần 3 lần em đều phải đến BV chạy thận”, T. tâm sự.
Tương tự, V.T.H. (22 tuổi, ngụ tại quận 12, TPHCM) cũng chạy thận nhân tạo tại BV Chợ Rẫy gần cả năm nay. Khi phát hiện bị bệnh, H. cũng đã bước sang suy thận mạn giai đoạn 4, phải chạy thận nhân tạo đều đặn 3 lần/tuần để duy trì sự sống. “Em không nghĩ mình bị suy thận nặng như vậy. Mắc bệnh này tốn kém quá, gia đình suy kiệt”, H. rưng rưng cho biết…
Ghi nhận tại BV Nhân dân 115, hiện có trên 600 bệnh nhân phải chạy thận, trong đó người trong độ tuổi 18 - 30 chiếm 2/3. Rất nhiều trường hợp chỉ vô tình phát hiện bệnh khi có dấu hiệu mệt mỏi, sốt, không tiểu được, phù nề tay chân…
Tại BV Chợ Rẫy, số bệnh nhân suy thận được khám và điều trị cũng không ngừng tăng lên trong các năm qua. Theo số liệu từ Khoa Tiết niệu của BV Chợ Rẫy, ngoài số bệnh nhân suy thận thể nhẹ điều trị ngoại trú, hiện Khoa Thận nhân tạo và các cơ sở liên quan khác của BV phục vụ cho hơn 10.000 bệnh nhân bị suy thận nặng, giai đoạn cuối. Trong đó, độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa, phần lớn đều trong độ tuổi lao động.
Hiện ngoài số bệnh nhân thường trú tại TPHCM, các BV Bình Dân, Nhân dân 115, Chợ Rẫy, Nhân dân Gia Định còn tiếp nhận một lượng không nhỏ bệnh nhân từ các tỉnh, thành khác.
Cần thay đổi lối sống
Theo Th.S - bác sĩ Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng Khoa nội thận - Thận nhân tạo, BV Đại học Y Dược TPHCM, người trẻ mắc bệnh về thận chủ yếu do di truyền, tiếp xúc với chất độc, dùng thuốc không rõ nguồn gốc và mắc phải các bệnh lý miễn dịch như lupus ban đỏ hệ thống, hoặc các bệnh cầu thận nguyên phát…
Ngoài ra, bệnh đái tháo đường, cao huyết áp cũng là nguyên nhân gây biến chứng suy thận mạn, buộc phải chạy thận nhân tạo suốt đời. Đặc biệt, lối sống và thói quen sinh hoạt của người trẻ tuổi cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh về thận.
Hiện nay, việc lạm dụng thức ăn nhanh, đồ uống có gas, bia rượu, thực phẩm không rõ nguồn gốc… cũng góp phần đáng kể làm cho thận bị ảnh hưởng, hoạt động kém và suy dần.
Điển hình như trường hợp bệnh nhân T., do bận rộn việc học hành, T. có thói quen ăn thức ăn nhanh và uống nước có gas tại các cửa hàng tiện lợi. Đến khi phát hiện bệnh và được bác sĩ tư vấn thay đổi thói quen ăn uống thì đã muộn!
Riêng trường hợp bệnh nhân H. nói trên, từ khi tham gia sinh hoạt bóng đá cùng các thanh niên trong khu phố, H. thường uống bia rượu cùng nhóm sau mỗi trận đấu. Giờ đây, khi phát hiện bệnh suy thận mạn, H. chỉ biết ngậm ngùi hối hận.
Theo các chuyên gia thận - niệu, bệnh lý suy thận mạn không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn gây áp lực lớn về kinh tế cho người bệnh. Chi phí một lần chạy thận tùy thuộc vào loại vật tư sử dụng như màng lọc, dây máu…, dao động khoảng 500.000 - 1,5 triệu đồng.
Do vậy, bác sĩ Huỳnh Ngọc Phương Thảo khuyến cáo, để tránh các trường hợp phải chạy thận nhân tạo, cần có lối sống lành mạnh, tránh các bệnh chuyển hóa như béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng acid uric…, tránh dùng thuốc không đúng chỉ định, không lạm dụng thuốc giảm đau, tầm soát bệnh thận. Một số dấu hiệu của suy thận mạn là tăng tiểu tiện (đặc biệt vào ban đêm), giảm đi tiểu, xuất hiện máu trong nước tiểu, nước tiểu đục hoặc màu trà…
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ người dùng bia rượu mắc bệnh lý về thận cao gấp 4 - 5 lần so với người bình thường. Bởi lẽ, bia rượu khử nước trong cơ thể, gây ra tình trạng mất nước, ảnh hưởng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, trong đó có thận, lâu dài sẽ dẫn đến suy thận. |