Đến gần hơn với khán giả trẻ
Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM vừa ra mắt chương trình mới Khi người trẻ giữ hồn dân tộc, với mong muốn đem nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương đến gần hơn với khán giả trẻ. Chương trình có sự tham gia giao lưu và biểu diễn của NSND Thanh Điền, cùng các diễn viên, nghệ sĩ trẻ và một số tài năng sân khấu nhỏ tuổi đang gắn với hoạt động rèn luyện, biểu diễn đờn ca tài tử, cải lương.
NSND Thanh Điền chia sẻ: “Khi ngồi xem các em, các cháu biểu diễn, tôi rất vui mừng vì các em không phải là diễn viên chuyên nghiệp, nhưng ca diễn tốt những bài cải lương, thể hiện được tình cảm và niềm yêu thích đối với bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Tôi xúc động và nhớ lại một thời tuổi thơ cách nay hơn 60 năm, khi tôi được đứng trên sân khấu biểu diễn. Tôi tin rằng, các cháu cũng có cùng một cảm xúc như tôi lúc nhỏ, cảm thấy xúc động khi rất đông khán giả, người lớn ngồi xem nghiêm túc, trân trọng các cháu. Mong rằng, các cháu sẽ giữ vững tình yêu và niềm đam mê, tiếp tục là thế hệ tiếp nối ngành nghệ thuật truyền thống dân tộc nước nhà”.
Còn đạo diễn Thành Bỉ, chuyên viên tổ chức các chương trình của Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, bộc bạch: “Song song với Khi người trẻ giữ hồn dân tộc, đơn vị sẽ thực hiện thêm chương trình sân khấu Theo dòng lịch sử, giới thiệu đến các bạn trẻ các nhân vật lịch sử qua các tiết mục ca cảnh, đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương. Đây cũng là sân chơi nghệ thuật dành cho các bạn đang hoạt động sân khấu bán chuyên nghiệp, nghệ sĩ trẻ và các em học sinh”.
Ở cả 2 chương trình, bên cạnh những bạn trẻ luôn có sự đồng hành của các nghệ sĩ sân khấu thành danh cùng tham gia luyện tập, hát diễn chung, giao lưu, truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức nghề.
Bên cạnh đó, những người tổ chức cũng đang dự kiến đưa Khi người trẻ giữ hồn dân tộc đến với các trường đại học, các trung tâm văn hóa quận huyện để giao lưu, biểu diễn, lan tỏa mạnh mẽ hơn nghệ thuật sân khấu truyền thống trong xã hội.
Gìn giữ và lan tỏa
Phong trào lưu giữ, học tập âm nhạc truyền thống hiện cũng lan rộng ở nhiều trường đại học trên địa bàn TPHCM.
TS Phan Thanh Định, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV, cho biết: “Khi trường thành lập CLB Âm nhạc dân tộc, chúng tôi mong muốn mang âm nhạc dân tộc đến gần gũi hơn với quý thầy cô và các bạn sinh viên. Gần đây, nhà trường mong muốn cao hơn nữa là đưa âm nhạc dân tộc đến với cộng đồng, nhất là người dân vùng sâu vùng xa, các chiến sĩ vùng biên giới hải đảo”.
Còn tại Trường Đại học FPT, từ năm 2015, trường chính thức thành lập CLB Nhạc cụ truyền thống FTI và nay đã trở thành một môn học cơ bản bắt buộc đối với các sinh viên mới.
Nguyễn Đồng Bảo Minh, sinh viên năm nhất - K19, ngành Kỹ thuật phần mềm, Trường ĐH FPT, chia sẻ: “Xưa, em thấy nhạc cụ dân tộc không có sức cuốn hút gì, đến khi vào trường học, được tiếp xúc, theo học đàn tỳ bà, mới nhận thấy sự hấp dẫn của nhạc cụ truyền thống. Có một điều em thấy rất thú vị là nhạc cụ dân tộc vẫn có thể chơi rất hay các bài nhạc hiện đại. Ngoài đàn tỳ bà, có lẽ sắp tới em sẽ học thêm đàn tranh”.
ThS Vũ Thị Kim Yến, Chủ nhiệm bộ môn Âm nhạc truyền thống Trường ĐH FPT, cho biết: “Dù là trường thiên về đào tạo công nghệ nhưng theo quy định của trường, bắt buộc các em phải chọn một môn nhạc cụ dân tộc để học. Ban đầu các em khá miễn cưỡng, nhưng đến khi tiếp xúc với nhạc cụ truyền thống, các em đã dần thay đổi quan điểm, quan tâm hơn đến nghệ thuật truyền thống. Dĩ nhiên, không phải em nào cũng có năng khiếu để có thể phát triển theo hướng biểu diễn, nhưng điều quan trọng mà chúng tôi muốn hướng đến là xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ văn hóa dân tộc từ trong tiềm thức của sinh viên”.
Thông qua quá trình đào tạo, Trường ĐH FPT cũng đã phát hiện nhiều tài năng nghệ thuật, làm nền tảng để xây dựng một dàn nhạc dân tộc. Hiện dàn nhạc dân tộc của trường có khoảng 50 thành viên là sinh viên các khóa. Mỗi sáng thứ hai, dàn nhạc dân tộc Trường ĐH FPT sẽ đến các trường phổ thông để giới thiệu nhạc cụ dân tộc, biểu diễn những tiết mục âm nhạc truyền thống và hiện đại.
Việc thể hiện những giai điệu hiện đại bằng các loại nhạc cụ truyền thống đã nhận được sự quan tâm, yêu thích của các em học sinh phổ thông, góp phần tạo nên niềm hứng khởi cho các em đối với các nhạc cụ truyền thống và xa hơn là xây đắp tình yêu với văn hóa dân tộc.