Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công thương, số lượng vụ việc tranh chấp, khiếu nại của người tiêu dùng gửi tới Bộ tăng từ 26 vụ trong năm 2011 lên 450 vụ vào năm 2013 và duy trì trung bình gần 1.500 vụ trong giai đoạn 2014-2020. Các phản ánh, khiếu nại chủ yếu qua thư điện tử, hệ thống tiếp nhận yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại trực tuyến và qua đường bưu điện.
Những con số nói trên cho thấy, từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam có hiệu lực thì người tiêu dùng đã ý thức hơn trong việc tự lên tiếng để bảo vệ quyền lợi. Dù vậy, hiện nay sự phát triển kinh tế - xã hội đã làm xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử… Do đó, Bộ Công thương đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm sửa đổi những bất cập, thiếu sót của bộ luật cũ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh.