Cần bộ tiêu chuẩn về sản phẩm hữu cơ
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, vài năm qua, người tiêu dùng chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, thường lựa chọn nông sản sạch, nông sản hữu cơ, nhưng thị trường không đủ hàng cung ứng, khiến giá thành khá cao. Qua khảo sát đường đi của hàng nông sản từ trang trại đến bàn ăn, có thể thấy giá cả nông sản phụ thuộc nhiều vào thương lái và DN thu mua, sau đó mới đến các kênh phân phối để bán cho người tiêu dùng.
Nông sản sạch, nông sản hữu cơ rất ít, chỉ có ở siêu thị, cửa hàng; chiếm khoảng 15% thị trường. Các DN sản xuất sạch không thể phân phối sản phẩm ra chợ đầu mối bởi giá thu mua rất thấp.
Theo ông Hoàng Sơn Công, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, đối với nông sản hữu cơ, hiện nay kênh phân phối không chính thống được đánh giá cao do người tiêu dùng tự kết nối trực tiếp hoặc qua người thân. Hội đã khảo sát nhiều chung cư, thấy người sinh sống tại đây khi biết được mô hình sản xuất sạch hoặc hữu cơ đã giới thiệu, mua về bán lại cho người dân trong chung cư. Thực trạng này cũng diễn ra ở nhiều cơ quan, khu phố. |
Hiện nay, hoạt động mua bán qua mạng đang phát triển nhanh chóng, và có một thực tế là nhiều hướng dẫn về phân biệt sản phẩm sạch, thực phẩm tốt còn bị sai lệch. Người tiêu dùng dễ rơi vào ma trận thông tin quảng cáo trên mạng mà không biết hướng dẫn nào sai hay đúng.
Giám đốc một công ty xuất khẩu mật ong hữu cơ cho biết, nhiều trang mạng xã hội chia sẻ cách phân biệt mật ong thiên nhiên, mật ong organic… đều không đúng. Ví dụ, nhiều trang chia sẻ mật ong có đọng màu trắng ở dưới đáy chai là đường, nhưng thật ra đó chính là mật ong nguyên chất 100%.
Trên góc độ phân phối hàng, ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (chuyên xuất khẩu chuối sang Nhật Bản), cho hay mỗi siêu thị đưa ra tiêu chí nhập sản phẩm hữu cơ khác nhau. Điều này khiến ngay công ty nhập hàng cũng thấy “rối”, thì người tiêu dùng làm sao phân biệt đâu là chất lượng tốt nhất. Nhà nước cần có một bộ tiêu chuẩn về sản phẩm hữu cơ để thống nhất với siêu thị và công bố rộng rãi trên các kênh thông tin truyền thông để người tiêu dùng biết.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit, sau khi đưa ra thị trường sản phẩm hữu cơ, công ty đã dành hơn 2 tỷ đồng/tháng cho việc truyền thông, trong đó chủ yếu là thuê nhân viên đứng tại quầy kệ trong siêu thị. Thị trường sản phẩm hữu cơ vẫn còn rất ít nên DN phải tự quảng bá sản phẩm của mình, chứ nếu ngồi chờ người tiêu dùng tìm đến, thì sẽ thất bại.
Đến mua tận vườn, thay vì vào siêu thị
Siêu thị Big C gần đây đã dành riêng một gian hàng sản phẩm hữu cơ có đầy đủ các loại rau. Tương tự, theo siêu thị Co.opmart, trước khi ra thị trường, siêu thị đã tuyên truyền, quảng bá về nông sản hữu cơ, nhờ vậy mà sức mua tăng lên, nhưng số lượng vẫn giới hạn do nguồn cung không đủ.
Đại diện một siêu thị chia sẻ, sản phẩm hữu cơ có giá cao gấp nhiều lần so với sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn bình thường. Đã thế, nông sản sạch (do không có chất bảo quản) để qua ngày là sẽ thành “rác”. Trung bình chỉ bán được hơn 300 triệu đồng/tháng đối với sản phẩm hữu cơ, vị chi một ngày có 10 triệu đồng thì rất nhỏ, nhưng lại phải đầu tư chi phí truyền thông, xây dựng hệ thống, lưu kho, vận chuyển, bảo quản… khá tốn kém. Đã vậy, nông sản hữu cơ không có tính ổn định về nguồn hàng, rủi ro về chất lượng, do người sản xuất dễ phá vỡ hợp đồng.
Không ít công ty sản xuất nông nghiệp hữu cơ bày tỏ, hiện nay nhiều đơn vị sản xuất tự phong hàng hữu cơ để bán giá cao, gây nhầm lẫn và mất lòng tin của người tiêu dùng, nhưng không có khung pháp lý xử phạt. Dù sản xuất sạch, dán nhãn chứng nhận hữu cơ trên bao bì, nhưng nếu thương nhân “gian lận” thì người tiêu dùng cũng khó mua được sản phẩm sạch.
Xu hướng hiện nay, thay vì đến siêu thị, người tiêu dùng thường lựa chọn nhà vườn uy tín để mua. Quan trọng nhất là công ty phải tự kết nối với người tiêu dùng, để khách hàng có thể đến thăm khu sản xuất bất kỳ thời điểm nào. Về lâu dài, Nhà nước cần thành lập các hội, câu lạc bộ là đơn vị trung gian tạo cầu nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, mở thêm nhiều buổi giao lưu để người tiêu dùng có kiến thức và kinh nghiệm phân biệt sản phẩm hữu cơ.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, người sản xuất phải công bố đầy đủ thông tin cho DN, người tiêu dùng. DN phải kiểm soát, công bố toàn bộ quy trình cho người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất. Người tiêu dùng chủ động học kiến thức về nông sản sạch, nông sản hữu cơ. Cuối cùng, toàn bộ nhà sản xuất, DN phải xây dựng kênh thông tin liên kết minh bạch để người tiêu dùng cùng tham gia vào quá trình giám sát. Thậm chí, sử dụng mạng lưới truyền thông của hội, hiệp hội quảng bá sản phẩm.