Đa dạng ngành nghề kinh doanh
Để ổn định thị trường, cơ quan quản lý các tỉnh, thành đã thiết lập mối liên kết hợp tác, nhằm tạo cơ chế hỗ trợ lẫn nhau, giúp ổn định thị trường hàng hóa. Sở công thương các địa phương chia sẻ, trong trường hợp thị trường có sự biến động lớn, ngành công thương các tỉnh sẽ phối hợp với nhau để điều động nguồn hàng bình ổn theo ký kết thỏa thuận kết nối cung cầu hàng hóa giữa Sở Công thương TPHCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM và cơ quan quản lý ở các tỉnh, thành, trong dịp Tết vừa qua, nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ và phối hợp nhịp nhàng về điều phối nguồn hàng nên giá cả hàng hóa không tăng đột biến, không có hiện tượng găm hàng. Chương trình ký kết còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp uy tín mở rộng hoạt động kinh doanh, thị trường tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên thị trường, cũng như việc phòng chống và phát hiện xử lý tình trạng hàng giả, hàng nhái.
Chủ động sản xuất
Phát triển kinh doanh luôn được các doanh nghiệp chú trọng. Các doanh nghiệp TPHCM đã tận dụng lợi thế, địa thế để phát triển quy mô thị trường hàng hóa. Đối với những ngành nghề TPHCM không có lợi thế phát triển sản xuất thì các doanh nghiệp chủ động thiết lập cơ sở sản xuất hoặc liên kết với doanh nghiệp tại các tỉnh, thành. Nhờ vậy, nguồn cung hàng hóa của các ngành nghề luôn dồi dào về sản lượng và chủng loại.
Hoạt động sản xuất cũng được các doanh nghiệp điều chỉnh theo hướng phù hợp với yêu cầu của khách hàng và xu hướng thị trường. Ngày nay, người tiêu dùng trong nước đã dần có góc nhìn khác hơn về chất lượng hàng hóa theo hướng khắt khe hơn. Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhận xét rằng, sản phẩm trong nước vẫn chiếm ưu thế trên thị trường với tỷ lệ đa số người tiêu dùng yêu thích và thường mua dùng lần lượt là 89% và 93%. Hàng hóa ngày nay muốn tiêu thụ được bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn.
Trong bối cảnh hội nhập, vai trò của tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế về an toàn, chất lượng rất quan trọng đối với sản phẩm, hàng hóa. Do vậy, muốn cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi cách tiếp cận, đó là đáp ứng theo tiêu chuẩn, các yêu cầu của thị trường.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit, cho hay thế hệ trẻ đang là đối tượng tiêu dùng bùng nổ của thị trường trong nước. Với đặc tính trẻ của thế hệ tiêu dùng “vàng”, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự thay đổi để đáp ứng cho xu thế tiêu dùng mới. Người tiêu dùng trẻ yêu cầu nhà sản xuất, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phải phục vụ cho họ nhiều hơn, có những giải pháp tư vấn nhiều hơn, cũng như họ cần được đối thoại nhiều hơn.
Thực tế, câu chuyện thay đổi trong phương thức sản xuất để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường đã được các doanh nghiệp quan tâm. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đã dần nâng cao năng lực sản xuất, quản lý nhằm đáp ứng nhiều thay đổi trong xu hướng mua sắm và lựa chọn hàng hóa của người tiêu dùng. Từ đó có thể thấy, người tiêu dùng ngày càng được chăm sóc hơn, mua được sản phẩm chất lượng, cung ứng dịch vụ phong phú, chăm sóc tận tình. Thị trường tiêu dùng trong nước với dân số 93 triệu người cũng được đánh giá là tiềm năng lớn về sức mua. Bên cạnh đó, với nền kinh tế ngày càng phát triển, thu nhập của người dân nâng cao, việc chăm sóc sức khỏe, hình thể, hưởng thụ cuộc sống chất lượng cao càng được chú trọng. Yếu tố này sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường hàng hóa tiêu dùng.