Các sản phẩm tiêu dùng nhanh đã dần trở thành nhu cầu cơ bản trong cuộc sống của người dân, nhất là người dân sống tại khu vực thành thị. Chính vì đáp ứng được yêu cầu, người tiêu dùng mới sẵn sàng nới lỏng hầu bao; đây là yếu tố tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành hàng tiêu dùng nhanh như du lịch, giải trí, sản phẩm điện tử…
Trong ngành hàng tiêu dùng nhanh thì bao bì là yếu tố quan trọng qua việc thu hút sự chú ý của người mua hàng. Bao bì không chỉ đưa ra lợi ích hay tính năng sản phẩm mà còn đóng góp vào việc xây dựng tài sản thương hiệu và thúc đẩy bán hàng. Với vai trò ấy, bao bì có khả năng dẫn đến sáng tạo cải tiến, đóng góp tăng trưởng doanh thu.
Thực tế, người tiêu dùng đi mua sắm, lướt qua các quầy kệ đầy ắp hàng hóa và chỉ dừng lại trước sản phẩm thật sự tạo được điểm nhấn trên bao bì nếu như có nhu cầu tìm kiếm những sản phẩm mới để đổi khẩu vị.
Bên cạnh đó, lối sống kết nối và bận rộn đang làm ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Người tiêu dùng mong muốn có những sản phẩm và dịch vụ nhanh hơn, tiện lợi hơn. Chẳng hạn như để chuẩn bị bữa cơm cho gia đình, thay vì phải mất hơn cả giờ, người nội trợ chỉ cần vài chục phút.
Để làm được điều ấy, người tiêu dùng cũng phải thay đổi cả thói quen sử dụng thực phẩm, thay vì chế biến các món tươi sống cầu kỳ, họ đã đan xen, linh hoạt sử dụng các sản phẩm chế biến sẵn, vốn được mua trữ trong nhà. Chính vì thế, các nhà sản xuất cần nhắm vào những thay đổi về xu hướng tiêu dùng để sản xuất ra sản phẩm có thể chinh phục người tiêu dùng. Cũng chính điều này mà thị trường ngày càng có nhiều sản phẩm mới.
Nhu cầu của người tiêu dùng cũng như sự cạnh tranh là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp sáng tạo. Hiện tại, các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh đang đứng trước nhiều sức ép từ phía khách hàng khi nhu cầu ngày càng cao và áp lực cạnh tranh khi ngày càng có thêm nhiều đối thủ tham gia “sân chơi” này.
Bởi vậy, đẩy mạnh kênh phân phối, tiếp cận thị trường tiềm năng, làm hài lòng khách hàng là mục tiêu được các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng đặc biệt chú trọng ở thời điểm thị trường bùng nổ như hiện nay. Thêm vào đó, hành vi tiêu dùng của người Việt Nam đã thay đổi nhanh trong những năm gần đây. Kết quả khảo sát của các đơn vị nghiên cứu thị trường tiêu dùng cho thấy bên cạnh chi tiêu cho các vấn đề thiết yếu, người tiêu dùng cũng chịu chi cho các nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống và hưởng thụ.
Điều này có thể nhận thấy khi nhiều dự án trung tâm thương mại hướng đến việc gia tăng tỷ lệ khách thuê kinh doanh ngành ẩm thực và vui chơi giải trí ngày càng tăng để khai thác nhu cầu của khách hàng. Người tiêu dùng cũng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn vào chuyện ăn uống bên ngoài. Các nhà bán lẻ đã không ngừng mở rộng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, rồi hàng ngàn shop dịch vụ tiện ích ra đời ở nhiều nơi. Tất cả là do giới kinh doanh đánh giá cao tiềm năng mua sắm, tiêu dùng của người dân.
Điển hình như vừa qua, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) chính thức đưa vào hoạt động siêu thị Co.opmart Phan Văn Hớn (tại số 102 Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM). Đây là siêu thị thứ 3 tại quận 12, bên cạnh Co.opmart Hiệp Thành và Co.opmart Nguyễn Ảnh Thủ, góp phần nâng tổng số siêu thị trên toàn quốc của Saigon Co.op lên con số 112.
Công bố mới đây của các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhanh cho thấy, các doanh nghiệp này đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng khả quan trong năm 2018. Qua năm 2019, nhiều nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh vẫn tin tưởng sẽ có bước phát triển tốt thông qua việc lắng nghe người tiêu dùng và đặt họ vào vị trí trung tâm của tất cả các quyết định mà nhà sản xuất sẽ đưa ra.
Thiết nghĩ, dù thị trường có điều chỉnh lên xuống về mức tăng trưởng nhưng thực tế nhu cầu tiêu dùng của người dân không hề giảm sút. Chỉ cần cân bằng được tài chính giữa thu và chi thì hoạt động mua sắm, làm đẹp vẫn được người tiêu dùng ưu tiên, sau vấn đề bảo vệ sức khoẻ.
Ngày nay, khi thị trường rộng mở, từ khu vực thành thị đến nông thôn, người tiêu dùng đã chuyển đổi hành vi mua sắm. Thay vì mua để ăn no thì giờ đây, nhu cầu còn phải đảm bảo ăn chất lượng, an toàn.
Theo Cục Thống kê TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TPHCM trong quý 1-2019 ước đạt 285.088 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng thì sẽ là 8,9%). Hiện nay, ngành thương mại bán buôn, bán lẻ chỉ đứng sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy hiện là ngành có số lượng cơ sở hoạt động nhiều nhất, tạo ra giá trị tăng thêm cao nhất. Ngành này cũng có mức tăng khá tốt (7,72% so cùng kỳ năm trước) do thị trường tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu ổn định, nhất là các mặt hàng đồ dùng gia đình. Tiếp đó là ngành khách sạn, nhà hàng (lưu trú và ăn uống) có mức tăng khá 8,39% so cùng kỳ. |