Trái cây ngoại bán tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Thái Học, quận 1
Vài năm nay, rau quả trở thành ngành hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2017 tăng gần 49% so với cùng kỳ năm trước (khoảng 2 tỷ USD). Nhưng ở chiều ngược lại, tốc độ nhập khẩu rau quả cùng thời điểm này tăng còn mạnh hơn - khoảng 103%.
Phong phú đặc sản các nước
Riêng trong tháng 7, Việt Nam chi 215 triệu USD để nhập khẩu rau quả, nâng kim ngạch nhập khẩu rau quả 7 tháng lên 851,8 triệu USD (tăng hơn gấp đôi so với 419,8 triệu USD cùng kỳ năm 2016).
Điều ghi nhận, Thái Lan đã vượt qua Trung Quốc để đứng ở vị trí số 1 về quốc gia có lượng rau quả xuất khẩu vào Việt Nam cao nhất; trong 6 tháng đầu năm đã nhập 362,2 triệu USD rau quả từ Thái Lan, tăng 2,5 lần, chiếm gần 57% thị phần so với 107,1 triệu USD từ Trung Quốc (chiếm 16,8%). Kế đến là Mỹ, Australia, Myanmar, New Zealand, Ấn Độ, Nam Phi, Hàn Quốc, Chilê...
Bên cạnh những mặt hàng rau quả nhập khẩu chính ngạch, trái cây đặc sản của nhiều nước cũng đã có mặt ở Việt Nam theo dạng “xách tay” qua đường hàng không, được bán phổ biến tại các cửa hàng và trên mạng với giá rất đắt, nhưng vẫn không đủ hàng để bán.
Theo ghi nhận, có nhiều loại trái cây ngoại còn khá mới mẻ ở Việt Nam, như bơ Australia có giá 350.000 đồng/kg, bưởi Hồng Ngọc Úc 130.000 đồng/kg, quýt Australia 200.000 đồng/kg, cherry vàng Canada 700.000 đồng/kg, chuối vỏ đỏ Dacca của Úc 500.000 đồng/nải, dâu Australia 700.000 đồng/kg, dưa melon Tây Ban Nha 300.000 đồng/kg, chà là tươi Ai Cập 800.000 đồng/kg, cam cara ruột đỏ Nam Phi 150.000 đồng/kg, nho khô Australia nguyên cành 600.000 đồng/kg, lựu Peru 200.000 đồng/kg…
Thường xuyên mua trái cây ngoại ở một cửa hàng, chị Võ Kiều Giang (quận Gò Vấp) cho biết, do lo ngại trái cây trong nước bị ngâm thuốc, không an toàn nên có không ít người tiêu dùng có khả năng tài chính tìm đến mặt hàng trái cây ngoại nhập. Theo chị Kiều Giang, ở nước ngoài có hàng rào kỹ thuật giám sát và kiểm soát chặt trước khi bán ra thị trường nên trái cây luôn đạt chuẩn. Nếu so sánh một số loại thường dùng hàng ngày như quýt, cam, chuối… thì giá chêch lệch nhau không nhiều. Chủ yếu những loại mà Việt Nam không trồng được như chà là, cherry, dưa melon… mới có giá rất cao.
Không những vậy, có người còn “săn” trái cây theo mùa. Một nhân viên cửa hàng (quận 1) cho biết, nhiều nước ở vùng ôn đới chỉ có thể trồng theo mùa nên có những loại trái rất đắt tiền được người mua đặt trước cả tháng, như dâu tây Hàn Quốc khoảng 800.000 đồng/kg, dâu tây Bạch Tuyết (Nhật Bản) 1,5 - 2 triệu đồng/kg, nho Nhật Bản 2 triệu đồng/kg, táo ruột đỏ Thụy Sĩ hơn 1 triệu đồng/kg…
Cẩn thận lầm “hàng độn”
Từ mạng xã hội, chúng tôi tìm kiếm từ khóa “trái cây nhập khẩu”, cho ra rất nhiều thông tin, từ trang cá nhân cho đến trang mua bán, với lời rao “trái cây nhập khẩu 100% từ các nước với chất lượng đảm bảo an toàn”.
Qua tìm hiểu, bất kỳ mua trên mạng hay cửa hàng, người mua đều phải đặt cọc trước mới có hàng sau. Theo lý giải của người bán, trái cây ngoại có giá trị cao, chỉ để được ít ngày là bị hư nên chắc chắn mua mới nhập hàng về. Chỉ những loại thông dụng được nhiều người mua như nho, táo, cherry mới có hàng sẵn.
Theo một tiếp viên hàng không (xin giấu tên), việc trái cây ngoại “xách tay” hiện diện ở thị trường nội địa có sự góp phần không nhỏ từ nhiều tiếp viên Việt Nam đang làm ở các hãng hàng không. Tuy nhiên, nhiều người không biết một điều là ở các nước cũng có trái cây Trung Quốc. Đây là đất nước mà diện tích lớn thứ 2 thế giới nên đa dạng các kiểu khí hậu, có thể trồng được nho, táo, kiwi (gốc là từ Trung Quốc), dưa lưới, lê, cherry…
Trái cây Trung Quốc nhập vào các nước phát triển đều phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn và được kiểm tra chất lượng trước khi bán ra thị trường. Nhưng với trái cây Trung Quốc vào Việt Nam, đa phần qua đường tiểu ngạch nên chất lượng luôn là điều ám ảnh của người tiêu dùng. Điều này dẫn đến, không loại trừ tình trạng tiếp viên ra chợ mua trái cây Trung Quốc về trộn chung để bán.
Vì vậy, người mua loại trái cây ngoại “xách tay” cần yêu cầu người bán đưa ra hóa đơn mua hàng trong siêu thị của nước đó làm bằng chứng. Nhưng điều này cũng chỉ hạn chế được phần nào, vì một khi người bán đã cố tình gian lận thì có thể dùng 1 hóa đơn “xoay” nhiều vòng. Vì vậy “chỉ có người mua lầm” mà thôi.
Bên cạnh đó, người mua cũng phải biết một vài kiến thức, cùng một loại trái cây mà mỗi nước có giá khác nhau hay tính theo kích cỡ càng to thì giá trị càng cao. Như kiwi New Zealand có màu vàng, còn màu xanh chỉ có của Trung Quốc; cherry Úc chỉ để được 1 ngày, còn cherry Trung Quốc để được hơn 1 tuần. Hay mận Úc có giá 400.000 đồng/kg, còn Nam Phi 320.000 đồng/kg, Mỹ 390.000 đồng/kg, Nhật Bản có giá 1 triệu đồng/kg...
Theo một chuyên gia, lượng rau quả Việt Nam xuất khẩu (trong đó có trái cây) vài năm qua tăng mạnh, đặc biệt là số lượng vào các thị trường khó tính (với nhiều quy định rất nghiêm ngặt) tăng lên từng năm, hiện chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên, trái cây Việt Nam lại chưa có thương hiệu quốc gia, như kiểu thương hiệu trái kiwi của New Zealand.