Tôi đến gặp thầy trong giờ trống tiết và ngỏ ý muốn viết về thầy như một món quà tri ân trước khi thầy về hưu. Lúc đầu thầy từ chối và bảo “có rất nhiều tấm gương nhà giáo đáng được tôn vinh hơn, những việc làm của tôi rất nhỏ bé so với đồng nghiệp và những người thầy cô đi trước”. Thấy tôi bày tỏ mong muốn chân thành, thầy mới gật đầu đồng ý và kể cho tôi nghe về hành trình 40 năm làm nghề giáo của mình.
Năm 2000, thầy Phương được điều động về công tác tại Trường THCS Phước Thắng. Lúc này, mọi điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng còn rất thiếu thốn, khó khăn. Lớp học chính khóa cho các em học sinh phường 11, 12 chỉ có vài phòng. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức mở lớp phổ cập ban đêm để các em không có điều kiện đi học vẫn được đến lớp. Việc dạy học ban ngày đã gặp nhiều khó khăn, việc dạy ban đêm còn khó khăn gấp bội. Thầy Phương kể, có những đêm lớp chỉ có một, hai học sinh đến học nên các thầy cô phải tìm đến nhà, động viên các em đến lớp để tìm kiếm cái chữ, thay đổi cuộc đời bằng tri thức. Thời điểm đó, đường đi khó khăn, nhà nhiều em không có địa chỉ, ở trong hẻm sâu, nhưng bằng chính tình thương của người giáo viên, các thầy cô đã vận động được các em và số lượng học sinh phổ cập ngày càng tăng lên.
Từ một giáo viên dạy môn Ngữ văn, bằng sự nỗ lực và cống hiến của bản thân, năm 2013, thầy Phương được cấp trên bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng. Trong những năm qua, thầy đã tổ chức rất nhiều hoạt động mang lại hiệu quả giáo dục cao cho nhà trường như: phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều chương trình giáo dục cho học sinh; tổ chức các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, đưa học sinh đi tham quan các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học; tổ chức các sân chơi nhằm rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh;…Nhờ sự tận tâm, thầy Phương đã giúp các em học sinh ngoài việc trau dồi kiến thức còn được rèn luyện về phẩm chất đạo đức và kỹ năng sống.
Để giúp các em lớp phổ cập được yên tâm đến trường, thầy thường xuyên vận động, tìm nguồn tài trợ để hỗ trợ cho các em áo đồng phục, sách vở, tiền mặt. Học trò của thầy ngày ấy giờ đây có người đã giữ chức vụ cao trong cơ quan nhà nước, có người làm nhân viên văn phòng, công nhân, thợ làm tóc. Thầy tâm sự, góp phần giúp thật nhiều học trò có hoàn cảnh khó khăn được đến lớp và tiếp cận tri thức đã là niềm vui và phần thưởng lớn trong cuộc đời nhà giáo của mình.
Thầy Phương là người lớn tuổi nhất trường lại là giáo viên môn Văn, có lẽ vì vậy kinh nghiệm sống và cách nhìn nhận mọi vấn đề của thầy cũng sâu sắc hơn. Thầy thường là nơi các giáo viên, đặc biệt là những giáo viên trẻ, những người đang có nhiều vướng mắc về công việc, về cuộc sống tìm đến gửi gắm tâm sự vui buồn. Thầy thường đưa ra những lời khuyên, đôi khi tạo ra sự hài hước, dí dỏm để giáo viên quên đi nỗi buồn. Những buổi sinh hoạt, mỗi khi thầy lên tiếng là cả trường sẽ trở nên hào hứng, vui tươi, đó cũng là lý do mà đồng nghiệp và các em học sinh vô cùng yêu quý thầy. “Người thầy giỏi nhất dạy học từ trái tim, chứ không từ sách vở” đó là đúc kết của thầy từ 40 năm gắn bó với nghề dạy học bằng chính trái tim yêu nghề, yêu người của mình.
Thầy Phương chia sẻ: “Trong suốt mấy chục năm làm việc dưới mái trường, cõ lẽ việc duy trì lớp học tình thương ban đêm là việc mà tôi thấy vui và hài lòng nhất. Buồn có, vui cũng có nhưng qua lớp học tôi biết thêm về nhiều hoàn cảnh, nhiều cung bậc cảm xúc của học trò. Lớp học nhiều độ tuổi, mỗi em mỗi tính, mỗi hành động nên để các em ổn định tâm lý, tập trung học hành là việc rất khó. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi, ngày các em nhận được tấm bằng tốt nghiệp, ai nấy đều vui mừng phấn khởi, bởi một cánh cửa mới đến với các em cũng đã được mở ra”.
Theo lãnh đạo UBND TP Vũng Tàu, mô hình lớp học phổ cập miễn phí ban đêm của trường THCS Phước Thắng là một mô hình hay, thể hiện sự đoàn kết, nỗ lực và tinh thần yêu nghề, thương trò của các thầy cô giáo. Trong đó, ghi nhận nỗ lực của nhà trường, ban giám hiệu và đặc biệt là thầy Lương Hữu Phương đã dành nhiều tâm huyết để duy trì lớp học đặc biệt dành cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn.