Lan tỏa tình yêu âm nhạc
Từ 8 giờ 30 đến hơn 12 giờ, thầy Hào cùng các bạn trong ban nhạc tập trung tập luyện cho chương trình dân ca “Hát với chú ve con” của Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Tân Phú, TPHCM).
Thầy Đặng Thanh Giàu, giáo viên thanh nhạc của trường, kể: “Tập bài hát nào, thầy Hào cũng hướng dẫn rất cặn kẽ từng chi tiết. Dù không nhìn thấy như mọi người, nhưng thầy có đôi tai cực kỳ đặc biệt, giữa âm thanh hỗn độn của dàn nhạc, thầy đều tinh tế nhận ra có sai chỗ nào, lập tức hướng dẫn khắc phục”.
Cùng với việc giảng dạy tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM, thầy Hào còn làm việc tại Trung tâm Bồi dưỡng năng khiếu của Nhạc viện TPHCM khá nhiều năm và còn hướng dẫn các ban nhạc dựng bè, dựng hợp xướng cho các cuộc thi của thành phố và các quận huyện.
Thầy cũng làm luôn việc phối nhạc trên máy tính. Lúc mới dạy, thầy gặp khá nhiều khó khăn, là người khiếm thị, thầy phải kiên nhẫn, cần cù tập sử dụng các phần mềm trên máy tính đến khi nào được mới thôi. Lúc đầu, sinh viên ngạc nhiên vì trong trường có ông thầy khiếm thị, nhưng sau này các bạn quen, hiểu thầy rất thương và lo cho học trò.
Thầy Hào chia sẻ: “Niềm vui lớn nhất khi đi dạy là gặp được học trò thương mình, bước ra khỏi lớp coi thầy như bạn. Học trò có kiến thức, có tính nghệ sĩ, sống tình cảm là tôi thấy vui rồi”.
Nhiều mong muốn cho người khiếm thị
Trước khi giảng dạy tại trường, những học trò đầu tiên của thầy Hào là các trẻ khiếm thị sống tại các mái ấm Thiên Ân, Nhật Hồng (quận Bình Thạnh). Hiện thầy Hào vẫn dạy nhạc cho gần 20 trẻ ở Mái ấm Thiên Ân.
Thầy kể: “Dạy các em khiếm thị phải chú ý tư thế ngồi đàn, chú ý ngón tay. Các em khiếm thị cảm nhận âm nhạc tốt hơn người sáng mắt rất nhiều. Nhiều người khiếm thị có khả năng hát, chơi nhạc và biểu diễn, tiếc là ít người được học bài bản. Tôi muốn sau này sẽ biên soạn một giáo trình nhạc lý cho người khiếm thị để việc giảng dạy âm nhạc có thể rộng cửa hơn với các em. Lâu nay, công việc cho người khiếm thị thường khá hạn hẹp, quanh quẩn với những công việc xoa bóp bấm huyệt, bán vé số, bán tăm, hát kẹo kéo… Chỉ bằng con đường học tập mới giúp người khiếm thị có cuộc sống tốt hơn. Mới đây, tôi mở lớp nhạc Music Family Center tại hẻm 76 Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), mong đó sẽ là động lực để các bạn khiếm thị có thêm niềm tin. Ngoài việc nhận nhiều bạn trẻ vào học năng khiếu, tôi cũng mong sau này, các giáo viên khiếm thị thiếu chỗ giảng dạy hoặc cần bồi dưỡng thêm về năng khiếu âm nhạc có thể đến lớp nhạc”.
Tại lớp nhạc này, thầy Hào cũng hướng tới cà phê sách, nâng cao văn hóa đọc cho học trò và mọi người. Nguồn sách hiện tại có được là mua từ các nhà sách cũ; quyên góp từ bạn bè, học trò.
Thầy Hào tâm sự: “Từ thời tôi đi học đâu có nhiều tài liệu, phải tự mày mò từ thư viện sách nói cho người mù, tài liệu chữ nổi, thậm chí có những tài liệu chép tay đến bây giờ vẫn giữ. Thực ra, với những ngành nghệ thuật, con người muốn tâm hồn rộng mở thì nên chịu khó đọc nhiều sách. Đó là điều tôi mong mỏi ở các học trò và bạn trẻ. Sách cũng như nghệ thuật, thay đổi chúng ta rất nhiều, giúp nâng cao chỉ số thông minh về cảm xúc. Cảm xúc càng nhiều, người ta càng sống tình cảm. Trong công việc cũng thế, người có tấm lòng, sự bao dung và thấu hiểu sẽ thành công, được quý trọng”.
Huỳnh Minh Khang (21 tuổi, sinh viên khiếm thị năm 2 Khoa Sư phạm âm nhạc Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM), chia sẻ về thầy Hào: “Thầy rất tỉ mỉ, thấy sinh viên sai chỗ nào sẵn sàng dừng lại chỉ tận tình. Hiện tại, em cũng tham gia lớp nhạc Music Family Center. Em đam mê âm nhạc, được thầy Hào tạo điều kiện truyền thụ lại những gì mình biết, đó là niềm vui rất lớn. Thấy thầy tận tụy như vậy, em có động lực để phấn đấu nhiều hơn, sống ý nghĩa hơn”.