Người thầy khiếm thị đi tìm “ánh sáng” cho học trò

Dẫu không nhìn thấy ánh sáng nhưng trong trái tim người thầy giáo khiếm thị Lê Trung Cường luôn tràn ngập “ánh sáng” và niềm tin. Hàng ngày, thầy truyền cảm hứng để học trò vượt lên số phận, thoát khỏi vòng an toàn, sống có ích cho xã hội bằng những tác phẩm văn học.

Thầy giáo tin học viết văn

Tôi đến thăm Trường Nuôi dạy trẻ khiếm thị Hải Phòng vào một buổi sáng đầu tuần. Ở đây thầy Cường còn được gọi là nhà văn, bởi lẽ thầy đã xuất bản một số đầu sách gây được ấn tượng với độc giả như: Trong mắt trái tim (NXB Kim Đồng, năm 2017), truyện dài Phú Quốc trong mắt kính thần (NXB Tổng hợp TPHCM, năm 2020)... Đặc biệt, năm 2023, Lê Trung Cường được tặng giải B Giải thưởng Văn học nghệ thuật 2023 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam với tác phẩm Mặt trời luôn bên tôi.

Thầy Cường sinh năm 1977, trong một gia đình nghèo ở xã Bắc Sơn (huyện An Dương, TP Hải Phòng). Năm 7 tuổi, đôi mắt của anh dần không nhìn thấy quả đồi phía trước nhà, song anh vẫn hồn nhiên chưa nhận ra khiếm khuyết của bản thân. Để di chuyển trong nhà, bà ngoại đã phải buộc những đoạn gậy nối xuống bếp, ra nhà vệ sinh để Cường lần theo mà đi. Mãi đến năm 13 tuổi, anh mới được đến Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng học tập. “Từ thế giới rộng lớn, bỗng nhiên tôi chỉ biết mọi thứ qua giọng nói, âm thanh. Tôi phải tập đi những đoạn đường rất ngắn từ giường ra sân, tôi dần phải làm quen với cuộc sống không có ánh sáng”, anh chia sẻ.

Với nghị lực của bản thân, anh Cường chinh phục được các kỳ thi và giành được một số suất học bổng của nhà trường, sau đó anh được giữ lại trường để dạy tin học văn phòng. Năm 2013, thầy Cường lập gia đình nhưng không lâu sau đó đã đổ vỡ, khiến anh rất thất vọng, chìm sâu vào nỗi buồn. May là sau đó anh thoát nhanh khỏi tình trạng này, do “có một người thầy nói với tôi: em buồn người ta cũng không biết em buồn. Em vui thì tự thấy cuộc sống thoải mái, nhẹ nhõm. Thế nên tôi chọn niềm vui”.

Từ đó, thầy Cường bắt đầu tìm lại được sự lạc quan trong cuộc sống. Thầy bắt đầu nghĩ đến chuyện viết văn bằng suy tư của một người khiếm thị. Học trò chính là nguồn cảm hứng để thầy bắt đầu những trang văn đầu tiên. Thầy bắt đầu cho ra mắt các tác phẩm như: Cô Tô trong mắt người khiếm thị trên Tạp chí Cửa Biển năm 2013, bút ký Cơn mưa bất ngờ - giải nhì Cuộc thi truyện ngắn và ký trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên 2014-2016…

“Người khuyết tật chúng tôi luôn có khao khát muốn hòa nhập cộng đồng. Tôi là người khiếm thị nên khi viết văn khó khăn nhất là thiếu trải nghiệm cộng đồng. Song, tôi may mắn được học tập với các bạn mắt sáng và hòa nhập cộng đồng từ nhỏ, tôi đã được đến thăm các gia đình người khuyết tật ở mọi miền đất nước. Tôi muốn bạn đọc hiểu về người khuyết tật chúng tôi thông qua các tác phẩm của mình”, thầy Cường chia sẻ.

Những câu chuyện, trang văn của thầy Cường mang yếu tố đời thực, rất chân phương và giản dị, thể hiện khát vọng vươn lên của người khuyết tật. Như trong tác phẩm Trong mắt trái tim, nhân vật chính là Linh Đan được khắc họa từ em Nguyễn Phương Chi, học trò tại trường có hoàn cảnh éo le. Linh Chi ước mơ có một phương thuốc thần kỳ để chữa mắt…

Tiết học của thầy Cường rất đặc biệt. Vào cuối tiết, thầy thường mở phát thanh các tác phẩm văn học viết về người khuyết tật cho học trò nghe, đôi khi thầy trực tiếp kể lại rồi phân tích cho học trò bằng niềm cảm hứng bất tận. Thầy tin rằng, những câu chuyện nghị lực, những câu văn trong sáng, hồn hậu sẽ truyền cảm hứng cho các em thắp sáng ước mơ, vượt qua giới hạn của bóng tối. Từ khi công nghệ đọc màn hình ra đời, thầy luôn tạo điều kiện cho học sinh đọc sách báo trên mạng.

Dành hết tình yêu cho học trò

Từ lúc có thu nhập, thầy Cường thường trích ra một số tiền nhỏ hàng tháng để giúp đỡ người khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bởi thầy biết, còn rất nhiều người khuyết tật chưa sắp xếp được công việc phù hợp, cuộc sống hàng ngày còn gặp nhiều khó khăn. Các em khiếm thị sống nội trú ở trường, chỉ khi gia đình có việc thì mới đón về nên thầy Cường và đồng nghiệp cũng như người thân với học trò. Thầy còn tạo ra cách xưng hô đặc biệt như: bạn Quân sẽ gọi là bạn Vua, bạn Hà sẽ gọi là bạn Sông, bạn Nhật gọi là bạn Ngày… và xưng là mình để tạo sự thân mật với học trò.

Em Phạm Thị Ánh, học sinh khiếm thị tại trường, bộc bạch: “Thầy Cường thường xuyên kể các câu chuyện trên báo giúp chúng em tự tin hơn trong cuộc sống”. Bí quyết để thầy Cường gần gũi học trò không gì khác ngoài sự chân thành, chia sẻ. Thầy Cường cho biết, cùng là người khiếm thị, nhưng mức độ nhận thức của các em khác nhau và người khiếm thị không đồng nghĩa nghe thính, đàn hay nên phải có giáo dục đặc biệt, tiếp cận cá nhân, lắng nghe và thấu hiểu dựa trên mức độ nhận thức để có cách tiếp cận phù hợp.

Hơn 20 năm đứng trên bục giảng dạy học, thầy Cường không cầm phấn như bao thầy giáo khác mà thầy cầm tay từng học trò trên bàn phím máy tính và bảng chữ nổi Braille. Từng lớp học trò này đi qua, đến lớp học trò khác đến, thầy đều nhớ tên từng bạn và theo dõi cuộc sống của các bạn ngay cả khi đã ra trường.

Khi có người bày tỏ mong muốn hỗ trợ cho các bạn tại trường một chút vật chất, thầy Cường đáp lại: Bạn hãy giúp đỡ những người khuyết tật xung quanh bạn trước. Bởi trong mọi xã, mọi làng đều có cộng đồng người khuyết tật, họ rất cần được giúp đỡ về cả vật chất lẫn tinh thần. Người khuyết tật là một phần không thể thiếu trong xã hội của chúng ta.

Tác giả NGUYỄN VĂN CÔNG

Bình chọn bài viết

Bài viết mới