Người của công việc
“Nhà báo đi đường xa, mệt lắm phải không? Nhìn bụi đỏ lấm lem quần áo là tôi biết các bạn không biết đường xuống trường rồi. Uống nước cho mát, rồi có hỏi hay tham quan gì, từ từ rồi tính”, cười động viên, thầy Đỗ Hiếu Lễ mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế. Câu chuyện chào hỏi của chúng tôi bị ngắt quãng khi bất chợt có tiếng gọi lớn ngoài sân trường, thầy Lễ xin lỗi rồi bước vội ra ngoài. Theo ra, tôi thấy thầy đang miệng nói tay làm chỉ cho nhóm thợ sơn nước và dặn dò mọi người: “Trời đang kéo mây đen, có thể mưa lớn, không hấp tấp, sơn qua quýt được nghe mấy anh. Mưa các anh tạm nghỉ. Quan trọng phải đảm bảo chất lượng công trình cho trường”.
Sau một hồi đi kiểm tra kỹ từng phòng học đã được sơn nước xong, an tâm về chất lượng, thầy Lễ mới quay qua chúng tôi giãi bày rằng phải “khó” như vậy vì trường đã xây dựng và đưa vào sử dụng đến nay tròn 20 năm; cơ sở vật chất xuống cấp, tạm bợ trong khi học sinh năm nào cũng tăng do dân nhập cư, tạm cư gia tăng từng năm. Để đảm bảo đủ 49 lớp cho 2.141 học sinh, trường phải tận dụng cả những phòng chức năng làm phòng học. Đó là dãy nhà cấp 4, lợp mái tôn, mùa khô thì nóng như lò nung, mùa mưa thì ẩm mốc. Năm nay được huyện bố trí kinh phí cho sơn, sửa lại nên thầy và trò ai cũng mừng.
“Hy vọng, với những phòng học được sửa chữa mới sẽ góp phần nâng chất lượng dạy và học của nhà trường trong năm học 2018-2019 đã cận kề”, thầy Lễ chia sẻ.
Học Bác để làm tốt sự nghiệp “trồng người”
Thế rồi chuyện xưa như ùa về, thầy Lễ bộc bạch, Trường THCS Vĩnh Lộc A dẫu sao vẫn còn “khá” hơn 2 ngôi trường thầy đã đi qua. Đó là Trường THCS Phạm Văn Hai (xã Phạm Văn Hai) và Trường THCS Đồng Đen (xã Vĩnh Lộc A).
“Nhưng có lẽ Trường THCS Phạm Văn Hai để lại trong tôi nhiều kỷ niệm nhất, vì đây là ngôi trường mà cách đây trên 10 năm thuộc loại khó khăn bậc nhất của huyện Bình Chánh. Cơ sở vật chất nhà trường là những dãy nhà cấp 4 xập xệ, không phòng thư viện, phòng chuyên môn… Tỷ lệ học sinh nghèo, mồ côi cha hoặc mẹ chiếm gần 1/3 học sinh toàn trường”.
“Có nhiều em, sáng tới trường, chiều phải phụ giúp gia đình làm ruộng, kéo lưới hoặc đi đội cát thuê… da cháy đen, tóc vàng hoe, thương lắm! Khó khăn là vậy, nhưng các em luôn có ý chí vươn lên để trở thành con ngoan trò giỏi. Vì chúng tôi đã truyền được tình yêu thương để các em cảm phục rồi cùng thầy cô cố gắng học”, thầy Lễ nhớ lại.
Với đức tính giản dị, ham học hỏi, tận tụy với nghề, gắn bó với đồng nghiệp, yêu thương học trò, thầy Đỗ Hiếu Lễ chia sẻ, làm cán bộ quản lý, thủ trưởng một đơn vị trường học, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải trở thành việc làm thường xuyên, mỗi người phải có trách nhiệm hàng ngày tự giác tu dưỡng, rèn luyện bằng những việc làm nhỏ nhất.
Theo thầy Dương Kiển Tâm, Bí thư Đoàn trường, thầy Lễ nhận nhiệm vụ hiệu trưởng nhà trường từ năm học 2017-2018. Ngay trong năm học này, sau khi có sự đồng thuận của tập thể sư phạm nhà trường, thầy trò Trường THCS Vĩnh Lộc A đã nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Gạng suốt đời.
Kể về mẹ Gạng, thầy Lễ xúc động cho biết, việc “tiếp lửa” truyền thống cho đoàn viên, học sinh nhà trường không gì cụ thể bằng những tấm gương tiêu biểu, gần gũi đang sinh sống và làm việc tại địa phương. Mẹ Gạng là một tấm gương về đức hy sinh, đã cống hiến cho đất nước 2 người con là liệt sĩ Phạm Thị Nang và liệt sĩ Phạm Văn Tẩu. Hiện mẹ đã 95 tuổi, sống tại ấp 4A, xã Vĩnh Lộc A cùng người con trai út.