Người thầy của công trình thiện nguyện

Gần 25 năm làm nghề “gõ đầu trẻ” ở huyện vùng cao Nam Trà My, thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ được biết đến không chỉ là người gieo chữ, mà còn là cánh chim kết nối nhà hảo tâm tài trợ kinh phí để xây dựng hàng trăm công trình phòng học, cầu treo, giếng khoan cho huyện vùng cao mà thầy gắn bó.

Kết nối yêu thương

Thầy Nguyễn Trần Vỹ, 45 tuổi, quê ở huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam). Năm 2000, anh Nguyễn Trần Vỹ nhận nhiệm vụ lên huyện Nam Trà My dạy học. Ngày đầu đến nơi công tác, thứ đập vào mắt thầy Vỹ là những phòng học lụp xụp được dựng lên bằng tre nứa với nền đất và mấy tấm tôn đã cũ. Còn thầy phải ở trong những phòng công vụ tạm bợ, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo. Thấy cảnh này, thầy giáo trẻ tự động viên mình rằng "các thầy cô trụ được thì mình cũng làm được", rồi tiếp tục bám bản.

thay-Nguyen-Tran-Vy- (6).jpg
Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ trong chương trình lì xì đầu năm mới nhằm khuyến khích các em học sinh đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán

Sau hơn 10 năm bám trụ lại với huyện Nam Trà My, thầy Vỹ cùng một số cán bộ tại huyện thành lập câu lạc bộ (CLB) Kết nối yêu thương huyện Nam Trà My nhằm tặng những phần quà giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Một thời gian, thầy Vỹ nhận thấy việc này chỉ mang tính tạm thời, không mang tính bền vững.

“Mình thấu hiểu sự cực khổ của các thầy cô ở các điểm trường vì 20 năm trước mình cũng như vậy. Có điểm trường, nhà công vụ kiên cố thì mỗi mùa mưa bão, học sinh không còn phải học mà bị mưa dột, thầy cô cũng yên tâm hơn phần nào khi bám lớp, bám bản. Nghĩ vậy, mình có động lực để liên lạc, tìm nhà tài trợ”, thầy Vỹ tâm sự.

thay-Nguyen-Tran-Vy- (3).jpg
Một điểm trường tại xã Trà Cang (huyện Nam Trà My) được thầy Vỹ và đồng đội vận động xây dựng

Do đó, thầy tìm tòi trên mạng xã hội Facebook kêu gọi, xin hỗ trợ từ các diễn đàn, các hội thiện nguyện nhằm có nguồn kinh phí lớn để sửa chữa, cải tạo phòng học, xây dựng lại những điểm trường cũ có nguy cơ đổ sập… Để có được sự tin tưởng, thầy Vỹ đến tận nơi để quay, chụp hiện trạng các điểm trường nơi cần hỗ trợ rồi lên kinh phí dự trù để gửi cho nhà tài trợ.

Uy tín ngày một tăng lên, nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước gửi kinh phí thầy cùng CLB xóa những điểm trường tạm. Gần 10 năm thành lập CLB, thầy Vỹ cùng các cộng sự đã huy động được hàng chục nghìn ngày công lao động để vận chuyển vật liệu, xây dựng mới các phòng học, phòng công vụ của các giáo viên ở các điểm trường lẻ với kinh phí hàng tỷ đồng.

thay-Nguyen-Tran-Vy- (8).jpg
16 công trình nước sạch cho các điểm trường giúp các em học sinh không phải ra suối lấy nước về sử dụng vào mỗi ngày hè

Thầy Vỹ kể, có lần đi khảo sát xây mới các điểm trường thấy giáo viên, học sinh một số điểm trường phải ra suối lấy nước về sử dụng. "Mà nguồn nước ở suối thì mùa mưa sẽ đục, mùa nắng sẽ khô kiệt lẫn trộn rong rêu không đảm bảo vệ sinh. Lúc đó, mình mới nảy ra ý tưởng kêu gọi kinh phí làm giếng khoan tại các điểm trường thường xuyên thiếu nước sạch", thầy Vỹ nhớ lại.

Khi có nguồn tiền thì thuê thợ về khoan, mỗi giếng rẻ nhất cũng 50 triệu đồng. Do đặc thù huyện Nam Trà My là miền núi nên việc khoan giếng cũng không dễ dàng. Có điểm trường phải khoan rất nhiều lần mới có nước. Đến nay, thầy đã làm được 16 công trình nước sạch cho các điểm trường.

Tiếp bước cho học sinh đến trường

Đặc thù các ngôi làng ở huyện Nam Trà My thường nằm ở các ngọn đồi, đi qua những con suối lớn. Nhiều nơi, muốn qua suối, người dân chỉ có thể bắt cầu tạm bằng tre, nứa. Nhưng, khi mùa mưa đến, lũ trên thượng nguồn đổ về cuốn trôi cầu tạm. Cứ thế, học sinh không thể đến trường trong thời gian dài vào mùa mưa lũ.

thay-Nguyen-Tran-Vy- (2).jpg
Hàng ngàn ngày công lao động từ người dân địa phương cùng các bạn thanh niên tình nguyện đã góp phần dựng nên 30 cây cầu trên khắp huyện rẻo cao Nam Trà My

Nhìn lớp học cứ vắng học sinh những lúc mưa gió, thầy Vỹ trăn trở có cách nào giúp các em đến trường thuận lợi hơn. Tìm được nguồn hỗ trợ, thầy Vỹ lập tức đến các điểm cầu tạm bị hư hỏng, lũ cuốn để khảo sát, tìm vị trí có nhiều người đi lại, nhu cầu cấp thiết nhất để đề xuất nhà tài trợ. Cuối cùng, thầy Vỹ chọn một vị trí tại thôn 1, xã Trà Dơn để xây cầu.

Mọi việc hanh thông, cây cầu treo với tổng kinh phí 90 triệu đồng với trụ bằng thép, 2 bên có lan can bảo vệ, hệ thống dây cáp kiên cố được hoàn thành sau đó không lâu. "Ngày cây cầu được đưa vào sử dụng, nhìn những đứa trẻ phấn khích chạy qua cầu, kiểu như tụi nhỏ giờ có thể thoải mái đi ra khỏi làng mà không phải vất vả như trước lần mình thấy rất hạnh phúc", thầy Vỹ chia sẻ.

thay-Nguyen-Tran-Vy- (1).jpg

Sau thành công của cây cầu đầu tiên, thầy Vỹ tiếp tục khảo sát và xin được kinh phí xây thêm cầu treo. Càng ngày, các nhà hảo tâm thấy được hiệu quả trong việc xây cầu nên nguồn kinh phí hỗ trợ càng nhiều. Có những năm đồng loạt khởi công xây dựng 3 cây cầu một lần.

Đến nay, nhóm thầy kêu gọi làm cầu treo với 2 hình thức là đi bộ hoặc đi xe máy, tùy vào dân cư và điều kiện kinh phí xin được. Tính từ năm 2017 đến nay, thầy Vỹ đã xin kinh phí xây dựng hơn 30 cây cầu treo cho học sinh đến trường. Trong đó, cầu có kinh phí thấp nhất là 90 triệu đồng, cao nhất là 180 triệu đồng.

thay-Nguyen-Tran-Vy- (4).jpg
Cây cầu mới kiên cố được dựng lên bên cạnh cầu tre tạm bợ

Theo ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, nguồn kinh phí CLB Kết nối yêu thương huyện Nam Trà My và cá nhân thầy Vỹ kết nối về địa phương lên tới hàng chục tỷ đồng, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là học sinh vùng cao.

“Những năm sống và làm việc tại huyện, thầy Nguyễn Trần Vỹ đã có nhiều đóng góp ý nghĩa, thiết thực cho nhân dân cũng như nền giáo dục địa phương. Trong đó, thầy đã kêu gọi thực hiện rất nhiều công trình trường học, cầu treo, tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện giúp thầy cô giáo yên tâm công tác, học trò phấn khởi đến trường”.

Tin cùng chuyên mục