Trên cương vị Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM - AHTP), thạc sĩ Phạm Đình Dũng (46 tuổi) cùng cán bộ, kỹ sư của trung tâm đã có hàng trăm công trình nghiên cứu ứng dụng vào thực tế, phục vụ nhu cầu của nông dân và doanh nghiệp.
Liên tục ra đời công nghệ mới
Thạc sĩ Phạm Đình Dũng cho biết, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (gọi tắt là Trung tâm) đã và đang chuyển giao đến nhiều địa phương một số công nghệ mới phục vụ sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả cao. Giai đoạn 2011 - 2018, Trung tâm đã chuyển giao trên 50 quy trình sản xuất cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn TPHCM.
Với công nghệ trồng rau trong nhà màng (sử dụng mái lợp bằng ni lông), Trung tâm đã xây dựng được 5 mô hình là trồng rau trên nền đất bình thường (ít vốn, yêu cầu kỹ thuật không cao, có thể áp dụng để trồng được rất nhiều loại rau ăn lá, rau ăn quả); trồng rau trên giá thể (môi trường trồng sạch, hạn chế được phần lớn các loại sâu bệnh nhưng chi phí lớn và yêu cầu kỹ thuật cao); trồng rau theo phương pháp thủy canh hoặc khí canh trong nhà màng (môi trường trồng sạch, rất ít sâu bệnh, có điều kiện đạt được năng suất và chất lượng cao nhưng đòi hỏi chi phí lớn); vườn rau gia đình (phù hợp với những gia đình ở đô thị, nhà có sân thượng đủ rộng)...
Cùng với đó, Trung tâm đã nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao 7 quy trình công nghệ trồng trọt ứng dụng công nghệ cao có thể phát triển bền vững cho nhiều doanh nghiệp, nông dân ở thành phố và nhiều địa phương khác. Những quy trình này đã được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Đó là các quy trình kỹ thuật trồng một số loại rau ăn lá giúp tăng 1,5 lần so với phương pháp truyền thống, lợi nhuận tương đương 720 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm/ha; mô hình kỹ thuật trồng dưa lưới trong nhà màng đạt năng suất từ 30-35 tấn/ha/vụ (cao hơn 1,5 lần trồng theo truyền thống), chất lượng VietGAP, mang lại hiệu quả kinh tế từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm; quy trình nhân giống lan rừng giả hạc bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật, ứng dụng hệ thống ngập chìm tạm thời, hiệu quả tăng hơn 1,7 lần, hiệu quả kinh tế từ 1,5 - 2 tỷ đồng/100.000 cây/năm.
Đề cao sáng tạo
Được hỏi “bí quyết” gì để anh và Trung tâm có được nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật giúp người nông dân làm giàu bền vững ngay chính trên mảnh đất, thửa ruộng của họ? Thạc sĩ Dũng cười hiền, nói rằng đơn giản đó là vì đam mê, vì các anh coi ruộng đồng như máu thịt. Các nghiên cứu, mô hình sản xuất khi chuyển giao cho người nông dân và doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích về môi trường, hiệu quả kinh tế cao với lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm/ha, đó cũng là động lực để thạc sĩ Dũng và cán bộ, kỹ sư tiếp tục nỗ lực nhiều hơn trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào nền nông nghiệp sạch của thành phố và cả nước.
Với đội ngũ cán bộ, kỹ sư trên 150 người, thạc sĩ Dũng cùng ban lãnh đạo Trung tâm đã từng bước chuẩn hóa đội ngũ viên chức, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, công khai, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau. Không ngừng cải cách công tác quản lý nhân lực nghiên cứu khoa học để nâng cao tính chủ động, sáng tạo. Đặc biệt, trong năm 2018, Trung tâm đã tổ chức tinh gọn bộ máy từ 13 phòng xuống còn 6 phòng và 3 bộ phận sản xuất thực nghiệm, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tình hình phát triển mở rộng hoạt động.
Để phát huy hết thế mạnh của Trung tâm, thạc sĩ Dũng bày tỏ: “Tôi luôn chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bởi đây chính là mạch nguồn để nâng tầm Trung tâm vươn tầm ra “biển lớn”. Nhận xét về thạc sĩ Phạm Đình Dũng, cán bộ, kỹ sư Trung tâm cho biết, ở vị trí, công việc nào, đồng chí Phạm Đình Dũng cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, xứng đáng là một cán bộ, Bí thư chi bộ gương mẫu, hết lòng tận tụy với công việc, được đồng nghiệp yêu mến, kính trọng.