Quảng Bình quê tôi bao mùa mưa lũ vật lộn trong nước bạc, trong nước mắt của ác nghiệt thiên tai, của mất mát thì ngay lập tức, từng bàn tay của anh em từ phương Nam xa tít sẵn sàng hỗ trợ. Từng gói mì tôm, tấm chăn ấm, manh áo được gửi về chốn khó khăn. Làng tôi giữa vùng chiêm trũng, chưa mùa mưa bão nào thiếu sự giúp đỡ của đồng bào TPHCM đầy hào hiệp và trượng nghĩa. Mỗi lần ai nhắc đến chữ TPHCM là cả một khoảng trời ấm áp ùa về nghe thân thương đến lạ lùng.
1. Khi tôi mới học lớp 2, trận lũ lớn đổ về cả từ phía sông Long Đại, rồi dòng nước Kiến Giang đổ đến. Cánh đồng men phá Hạc Hải là nơi gặp nhau của hai dòng nước. Nguồn từ Long Đại đổ về cao hơn nguồn Kiến Giang cả hai mét nước, từ trong làng nghe tiếng của hai cột nước va chạm nhau nổ ầm ầm như bom dội. Những hình ảnh của thuở đó vẫn ám ảnh trong tôi, trong nếp nhăn của bao người làng. Gác nhà thời đó nhỏ bé với tường đất, mái tranh. Bình thường, làng thấy bờ tre mạnh mẽ, nhưng lũ về, làng như thoi thóp giữa biển nước mênh mông. Bao nhà cửa, rồi trâu bò, heo gà đều bị nước thổi bay. Con sông Kiến Giang chảy qua làng phía huyện Quảng Ninh vốn hiền dịu vỗ về mùa hạ, bỗng nổi mình giận dữ mùa mưa rồi nhấn chìm tất cả. Lũ rút, nhà tôi được địa phương gọi lên sân ủy ban xã, nơi đó đất bùn nhão nhoét, nhìn từng gương mặt người sau lũ hốc hác ai cũng quặn lòng.
Người phụ trách cứu tế địa phương thông báo, hôm nay có bà Tư Muối từ TPHCM ra, biết địa phương mình bị lũ lớn tàn phá, bà Tư Muối giúp mỗi hộ dân một thùng mì gói. Mì gói thời đó bọc bằng giấy đen sì. Tên hộ nào xướng lên, bà Tư Muối đều đến trao tận tay. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được nghe giọng thành phố ở phương Nam âm ấm, ngồ ngộ vì khác với “thế giới” làng nhỏ bé mà tôi được biết.
Những người già đón nhận thùng mì tôm mà nước mắt cảm ơn cứ rơi hoài không thôi. Cả làng, cả xã không ai nói hết lời cảm ơn lúc đó. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” mà. Bữa ăn nóng hổi đầu tiên sau lũ là bữa mì gói giấy từ tấm lòng dì Tư Muối. Mấy mùa lũ năm sau, người làng cũng nhận được nhiều hàng quà cứu trợ của người thành phố ruột thịt chuyển ra hoặc tận tay trao tặng. Nhưng đợt cứu trợ đó nó ám ảnh mãi tôi đến bây giờ khi đã ra khỏi biên giới làng vật lộn mưu sinh. Vẫn nhớ cái giọng nói đầy hào hiệp của dì Tư Muối rằng: “Người miền Trung mà bị lũ vùi bão dập, thiên tai, thương đau gì trong cuộc sống thì người miền Nam lòng nóng như lửa đốt”. Hồi đó, dì nói rất nhiều, nhưng tôi chỉ nhớ một câu như thế. Mãi sau này lớn lên, gặp lại dì mùa mưa bão sau, tóc đã bạc trắng nhưng dì vẫn tất bật cứu trợ người nghèo khó giữa chốn biên viễn xa lắc. Tôi khoe với dì: “Con nhớ hồi nhỏ, dì về quê con sau lũ cho mỗi nhà một thùng mì gói đó”. Dì cầm tay hỏi chuyện hồi lâu. Sau mới biết nhà dì có hãng xe chạy Bắc - Nam từ thời đất nước chưa mở cửa. Nhớ cái nghĩa của dì mà mấy năm nay vào thành phố công tác, khi có điều kiện, tôi vẫn lân la ở các bến xe lớn hỏi về dì. Một số nhà xe biết, một số mới thì không. Có người nói dì đã già và mất mấy năm rồi. Dì mất, nhưng nghĩa tình vẫn còn trong trí nhớ của mảnh làng chiêm trũng ấy.
2. Tôi có nhiều người bạn thành phố trẻ măng, được sống trong điều kiện tốt nhất để phát triển, được du học, tiếp cận những nền văn minh lớn của thế giới. Cứ nghĩ suốt ngày họ chỉ học và học, không nghĩ đến chuyện cuộc đời. Nhưng mỗi lần đồng bào vùng biên viễn ở đâu bị giá rét vùi lấp trong gió buốt, họ đều quyên tiền, nhờ người hoặc đến tận nơi để trao tận tay bà con chút quà tặng nghĩa tình. Quốc - một người lập nghiệp ở TPHCM, tuổi còn trẻ nhưng thành công về kinh doanh. Mấy năm trước, khi biết đồng bào Rục ở huyện Minh Hóa (Quảng Bình) bị lũ vây, Quốc đã ra tận nơi, kết nối với một số nhà báo, trao gần 100 triệu đồng tiền hàng, quà cho tộc người ở trong góc núi hẻo lánh này. Quốc từng nói với tôi rằng: “Mình ở trong miền Nam cái gì cũng có, còn bà con ở ngoài vùng mưa bão, giữa thiên tai không đi đâu được, thiếu thốn trăm bề, bưng bát cơm lên mà ầng ậng nước mắt khi đọc báo, xem ti vi”. Từ tình cảm đó mà bao người như Quốc đã đi về xứ Quảng Bình để đến những cảnh đời khó khăn, cheo leo trong lũ, mất mát trong lũ, tang thương vì lũ, côi cút do lũ nhưng ấm lòng vô cùng khi có bàn tay chìa ra ân cần như thế.
Trương Vũ là một người trẻ tôi từng quen trong các hành trình về với vùng thiên tai. Vũ sống ở TPHCM, chưa lập gia đình nhưng rất có trách nhiệm với bao mảnh đời khó khăn. Vũ vẫn thường đến vùng cao Quảng Bình qua các chuyến thiện nguyện bất tận. “Ở đó không chỉ cho và nhận mà luôn đưa lại tình yêu thương, sự cưu mang trở lại cho người đưa tới”, Vũ tâm sự. Vũ thường kêu gọi trên trang Facebook của mình và thành lập Câu lạc bộ Nét Bút Xanh thu hút hàng ngàn thành viên từ miền Nam, miền Trung rồi miền Bắc. Vũ đã có hàng trăm chuyến đi trong điều kiện mang bệnh ung thư vòm họng, nhưng tâm hồn của người thanh niên trẻ này vẫn mạnh mẽ và đầy lửa yêu thương.
Từng có nhiều chuyến vào thành phố công tác, tôi thật sự ứa nước mắt khi khách sạn tôi ở trong một con phố nhỏ chứa chan tình cảm. Đấy là mùa mưa lũ năm 2013, cả con phố rộn ràng tiếng loa phát thanh: “Tía má chúng ta ở quê hương miền Trung, ở Quảng Bình đang bị lũ vùi, bão dập, chúng ta ở nơi đầy nắng ấm áp, mỗi người gom góp chút đỉnh giúp đỡ tía má ở phía đó, giúp đỡ anh em ruột thịt đồng bào chúng ta”. Lân la hỏi chuyện, người ta gọi “tía, má” quả là tình cảm, khu phố không có ai bà con ở miền Trung, toàn gốc gác ở xứ miền Tây nước nổi, nhưng tình cảm vẫn cứ chắt chiu, vẫn cứ đong đầy, vẫn cứ “tía, má” rõ ràng.
3. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi còn là Bí thư Thành ủy TPHCM đã ra miền biên viễn xa tít của đồng bào Khùa ở vùng rẻo cao Trọng Hóa (Minh Hóa) vào năm 2006 thăm nơi ăn chốn ở của tộc người nhỏ bé này. Lúc đó, người Khùa xúc động trước tấm lòng hào hiệp của người miền Nam ra tặng nhà. Người cán bộ phương Nam xúc động vì bà con đang còn quá nghèo, quá khổ. Bây giờ ở trong những căn nhà mới, con cháu của già làng Hồ Xóc bồi hồi: “Người thành phố thật tình cảm. Tình cảm đó sâu nặng mãi đến các đời sau”. Già Hồ Xóc lại nói gọn gàng: “Nắng thành phố thật ấm. Lòng người thành phố thật hay”. 60 căn nhà được dựng lên, những mùa đông tháng giá đã ngăn cơn gió lùa phần phật. Rồi vốn trợ giúp làm ăn cho đồng bào cũng được TPHCM tài trợ. Ân nghĩa đó bền chặt trong tâm trí người Khùa trên núi rừng biên cương.
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải thăm đồng bào A Rem.
Xa trên núi cao dưới chân đèo Phu La Nhích là xã Tân Trạch (Bố Trạch), người anh em A Rem cũng ở trong căn nhà từ tấm lòng của người anh em phương Nam gửi tặng. 47 căn nhà trị giá hơn 3 tỷ đồng được dựng lên bởi sự vận động từ Đảng bộ và nhân dân TPHCM. Anh em miền Nam ra thăm còn căn dặn lãnh đạo địa phương: “Các anh cần gì thêm cứ gọi điện, tụi này sẽ giúp đỡ thêm tiền giúp bà con phát triển”. Từ câu nói chí tình đó, những dự án bò giống trị giá hàng trăm triệu đồng được chuyển về cho người A Rem chăn nuôi. Từ ngọn lửa nhỏ sưởi ấm trong từng căn nhà, lòng người phương Nam đã làm cho người A Rem vươn lên cuộc sống. Cuối năm 2009, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trở lại với người A Rem. Nắng ấm phương Nam một lần nữa sưởi ấm làng mạc tộc người A Rem nhỏ bé. 5 tỷ đồng được trao tay để người A Rem ổn định cuộc sống, chăm lo sản xuất, phát triển y tế, hỗ trợ giáo dục. Mãi mãi, với người A Rem, TPHCM là ân nặng tình sâu.
Ngày nay, người thành phố không chỉ đến với Quảng Bình mà còn đến khắp nơi với tình nghĩa sâu sắc. Sự giúp đỡ chí tình và ân nghĩa đó là từ lẽ sống hào hiệp, trượng nghĩa, khí khái. Người thành phố chắt chiu từng đồng bạc của công sức lao động, để cùng chung tay, giúp đỡ hàng chục ngàn tỷ đồng từ nhiều năm qua, nhằm san sẻ buồn vui cho hàng triệu hộ gia đình khó khăn ở nhiều nơi. Tấm lòng ấy, mỗi lần có dịp nhắc nhớ đến TPHCM, người ta đều hiểu đó là chốn của yêu thương, của cưu mang, của nghĩa tình son sắt.
MINH PHONG