Qua đó, chúng ta cũng cần nhấn mạnh một nguyên nhân sâu xa, đó là ưu thế của mô hình thể chế với nguyên tắc quyền lực nhà nước là tập trung, thống nhất. Nguyên tắc này đã giúp cho chính quyền trung ương có đủ sức mạnh và thẩm quyền để ban hành các quyết định cần thiết một cách nhanh chóng, quyết đáp cho toàn bộ hệ thống. Đây là một ưu thế rất lớn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Mô hình phân quyền của các nước phương Tây nhiều khi làm cho việc ban hành các quyết định cần thiết bị chậm trễ. Thêm vào đó, đã phân quyền thì thường phải thỏa hiệp, mà đã thỏa hiệp thì phương án chính sách tốt nhất dễ bị bỏ qua. Thực tế của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở các nước phương Tây bộc lộ sự lủng củng giữa các nhánh quyền lực nhà nước, giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương đã làm cho thời gian vàng để khống chế dịch bệnh bị đánh mất. Mà chậm một ngày thôi, thì dịch bệnh đã có thể lây lan ra cộng đồng và vượt tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, mỗi tấm huy chương đều có hai mặt, mô hình thể chế với nguyên tắc quyền lực nhà nước là tập trung, thống nhất cũng vậy. Rủi ro lớn nhất của mô hình này là trung ương đã ban hành quyết định sai thì cả hệ thống sẽ cùng sai. Sự nhanh nhạy và sự thống nhất của cả hệ thống nhiều khi không những không bù đắp được cho các tổn thất mà một quyết định sai lầm có thể gây ra, mà còn làm cho những tổn thất đó trở nên trầm trọng hơn. Đây là lý do tại sao đã lựa chọn mô hình thể chế với nguyên tắc quyền lực nhà nước là tập trung, thống nhất, thì bắt buộc phải lựa chọn cho được những người tài làm lãnh đạo, đồng thời phải kết hợp được sức mạnh của thể chế với sức mạnh của kỹ trị. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, sự kết hợp giữa sức mạnh của thể chế với sức mạnh của kỹ trị là rất rõ ràng. Thủ tướng có thẩm quyền ban hành các quyết định rất nhanh chóng, đồng thời tư vấn cho Thủ tướng cũng lại là những chuyên gia hàng đầu của đất nước ta về dịch tễ học.
Thành tựu khống chế đại dịch Covid-19 hoàn toàn có thể nhân rộng ra cho mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nếu như ưu thế của thể chế vẫn được bảo đảm nhờ việc sử dụng người tài. Sử dụng người tài để phát huy ưu thế và sức mạnh của thể chế chính là công việc đáng tin cậy nhất để đất nước ta nhanh chóng trở nên hùng cường và phát triển. Đây quả thực là việc nói dễ, nhưng làm không dễ. Quan trọng nhất là phải vượt qua lợi ích cá nhân, lợi ích phe nhóm; phải để khát vọng biến Việt Nam thành một quốc gia hùng cường dẫn dắt việc lựa chọn nhân sự.
Lựa chọn thế nào cho đúng người tài cũng hoàn toàn không dễ. Đôi khi tài nói, chưa chắc đã là tài làm. Chính vì vậy, quan trọng là phải lựa chọn người tài theo thành tích thực tế. Nhà thơ tài phải được lựa chọn căn cứ vào những bài thơ đã được xuất bản; nhà thiết kế tài phải được lựa chọn căn cứ vào các công trình đã được thiết kế; lãnh đạo địa phương giỏi phải được lựa chọn căn cứ vào thành tích phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; lãnh đạo ngành phải được lựa chọn căn cứ vào sự phát triển của ngành. Các tiêu chí khác như lập trường, thái độ… có thể cũng cần tham khảo. Tuy nhiên, thành tích thực tế mới là tiêu chí đáng tin cậy nhất để lựa chọn người tài.
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã để lại cho chúng ta không chỉ nhiều kinh nghiệm quý, mà còn nhận thức sâu sắc hơn về ưu thế và sức mạnh của mô hình thể chế mà chúng ta đang có. Kiên định với mô hình thể chế và tìm mọi cách để lựa chọn và sử dụng người tài nhằm phát huy ưu thế và sức mạnh của thể chế chính là chìa khóa thành công của chúng ta.