LTS: Năm 2019 là năm thứ 89 kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2019). Nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các giới đồng bào và các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể đã có những việc làm cao cả, tốt đẹp mang lại lợi ích cho cộng đồng, đóng góp chung cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn TPHCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Giải thưởng “Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Từ số báo hôm nay, Báo SGGP trân trọng giới thiệu những mô hình, việc làm của các cá nhân và tập thể được tôn vinh trong giải thưởng lần thứ 1 năm 2019.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu
Hơn 3.000 tấm bản đồ cổ về Việt Nam
Ở tuổi 100, nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu vẫn còn mẫn tuệ, nhớ như in từng chi tiết và sự kiện về biển đảo, Hoàng Sa, Trường Sa. Ông nói: “Nước mình ở giữa biển Đông, có chủ quyền ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ bao đời nay rồi. Cách nay mấy năm xảy ra sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981, nhiều người hỏi ý kiến tôi, vì biết tôi có nhiều tư liệu, bản đồ cổ về chủ quyền đối với 2 quần đảo này. Cái này thuộc về lịch sử, ai đã từng nghiên cứu thì biết”.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, ông đã đọc nhiều hồi ký của những vị linh mục, nhà buôn nước ngoài đến Việt Nam bằng đường thủy vào đầu thế kỷ XVI và nhận thấy, từ năm 1523, người Việt Nam đã chịu trách nhiệm nắm giữ, quản lý 2 quần đảo này trên vùng biển Đông. Đã có nhiều cuộc gặp gỡ giữa các nước Tây phương và Á Đông bàn bạc cùng nhau về phân định chủ quyền đối với vùng biển đảo. Các triều đại vua nhà Nguyễn vào thời đó cũng đã ý thức giữ chủ quyền trên vùng biển này.
Ông cho biết thêm: "Tôi có may mắn là trong nhiều năm đã thu thập được nhiều tấm bản đồ cổ khá rõ ràng về chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở biển Đông, cả những bản đồ của ngoại quốc nói về Việt Nam. Trong đó có những người liên quan như các giáo sĩ, hay những người làm kinh tế, hãng buôn lớn. Họ đã để ý đến Việt Nam từ rất sớm. Các sách vở, bản đồ của người Bồ Đào Nha chiếm Malacca từ năm 1510 đến 1513 cũng đã nói về các vùng biển đảo của Việt Nam ở biển Đông. Ở thời điểm đó, đất nước Việt Nam đã có bằng chứng rất rõ ràng về phương diện lịch sử. Trong nhiều năm nghiên cứu các bản đồ cổ về biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa, tôi và nhiều anh em khác nữa đã ý thức được quyền của Việt Nam trên các vùng biển này là rất rõ ràng. Mỗi khi nói đến Hoàng Sa, Trường Sa là chạm đến trái tim của mỗi người dân Việt".
Tâm huyết của một nhà yêu nước
Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, việc đấu tranh chủ quyền trên biển Đông cần tăng cường bằng nhiều biện pháp đấu tranh đòi công lý trên phương diện hòa bình. Các thế hệ Việt Nam phải luôn có những hành động cụ thể, cương quyết giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Báo chí, cơ quan thông tấn cũng cần mạnh dạn đưa tin, tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa cho thế hệ hôm nay hiểu rõ hơn ngọn nguồn vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam có từ bao đời nay, để cùng chung tay bảo vệ, đấu tranh giữ vững chủ quyền.
Tấm bản đồ cổ thế kỷ XVII do Anh xuất bản, thể hiện rất rõ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng có những đánh giá về công lao của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đối với khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng những hành động, việc làm của một nhà yêu nước. Đánh giá này dựa trên giá trị của những tư liệu, tấm bản đồ cổ Hoàng Sa, Trường Sa mà ông đã lưu giữ trong nhiều năm qua.
Ông luôn ý thức được rằng, nếu chiến tranh xảy ra vì quyền lợi, bất đồng với nhau ở biển Đông, thì sẽ xảy ra những thiệt hại rất to lớn cho đất nước. Hơn bao giờ hết, Việt Nam chúng ta rất cần hòa bình, ổn định để phát triển. Nhưng không vì một lý do nào đó mà để mất chủ quyền, mất những vùng biển đảo mà cha ông đã bao đời nay giữ gìn.
Theo bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, năm 2014 nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã cho xuất bản quyển sách “Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa” từ kho tư liệu, bản đồ cổ của mình.
Quyển sách là một tác phẩm có giá trị về lịch sử, là nguồn tư liệu khoa học, khách quan, giúp các nhà khoa học, nhà quản lý và người đọc hệ thống, hiểu một cách chính xác các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo Tổ quốc; đồng thời, cung cấp các chứng cứ khoa học trong quá trình xử lý tranh chấp theo Công pháp quốc tế về Luật Biển.
Qua đó, khẳng định Việt Nam không cho phép bất cứ quốc gia nào xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và góp phần cho việc giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước - đoàn kết, niềm tự hào, lòng tự cường dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.