Ông Đặng Quang Long là chủ một quán ăn tại thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, ông từng đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều vùng dân tộc thiểu số khác nhau tại tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh tại Tây Nguyên. Ông chứng kiến nhiều cồng chiêng, chóe, trống bị bỏ đi hoặc bán cho người thu mua phế liệu. Không đành lòng, từ 6 năm nay, ông bắt đầu công việc sưu tầm hiện vật văn hóa.
Ông Long chia sẻ: “Khi tôi gặp những già làng, họ kể tôi nghe về nét văn hóa truyền thống của dân tộc họ và nói về cồng chiêng. Tôi say mê và bắt đầu xin mua lại cồng chiêng từ những người trong các bản, làng; đôi khi, tôi mua lại từ những người bán phế liệu”.
Đến nay, ông Long đã sưu tầm hơn 100 cồng chiêng, hơn 60 nồi đồng và nhiều hiện vật về đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số như Cor, H’rê, Ca Dong ở miền núi Quảng Ngãi và Tây Nguyên.
Ông cho biết, sưu tầm cồng chiêng khó nhất là phải đi liền bộ với nhau, bộ chiêng của người H’rê ở các vùng huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long gọi là chiêng Ba, gồm chiêng lớn gọi là chinh Vông hay chinh cha, chiếc nhỏ hơn là chinh tum hay chinh mẹ, chiếc nhỏ nhất là chinh túc hay chinh con.
Chiêng của người Hrê trước đây là vật thiêng, thường chỉ sử dụng trong các dịp lễ, tết. Ngày nay, tiếng chiêng đã hòa nhập vào không gian văn hóa cộng đồng, cùng với bếp lửa, rượu cần. Cồng chiêng và các làn điệu dân ca quen thuộc của người Hrê hiện cũng đang được các nghệ nhân sưu tầm, phục dựng và biểu diễn theo phong cách truyền thống.
Bộ chiêng của người K’Ho ở Tây Nguyên thì bộ có 6 cái chiêng gọi từ lớn tới nhỏ là Chiang Me, Rrđơm, Dờn, Thoòng, Thơ và Thê. Một số vùng dân tộc khác ở Tây Nguyên khi cúng thần có một bộ chiêng riêng gồm 3 cồng, 8 chiêng.
Chiêng là nhạc khí tự thân vang, mỗi chiếc một cao độ, đường kính có thể lên tới 60cm. Do vậy, nếu thiếu hoặc mất 1 cái chiêng thì không thể biểu diễn hoặc hoàn thiện một bộ chiêng được.
Ông Long cho biết, ngày xưa, trên miền núi, người dân phải đổi hẳn một con trâu đực mới mua được 1 chiếc chiêng; vì vậy, cái chiêng, ché rất quý, là vật thiêng của người đồng bào. Chiêng là hợp kim đồng và được làm thủ công bằng tay rất tỉ mỉ và tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, khi văn hóa truyền thống mai một dần, trong lúc vì miếng cơm, manh áo, nhu cầu vật chất, người ta phải bán chiêng đổi lấy tiền.
“Tôi xót xa khi những bộ cồng chiêng càng ngày càng ít đi, thậm chí bộ cồng chiêng bị mẻ, tiếng không còn vang thì được bán rẻ đi. Tôi phải lặn lội đi mua lại. Về sau, nhờ một số thợ lành nghề, giỏi kỹ năng chỉnh chiêng đến sửa lại cồng, chiêng; sửa lại âm điệu cho chuẩn bộ”.
Ông Long giới thiệu hơn 60 chiếc nồi đồng do ông sưu tầm, những chiếc nồi có độ dày 3-5cm, có những nồi đồng 4 tai, có in hoa văn và vòng nút. “Những chiếc nồi rất phổ biến, là vật dụng sinh hoạt quen thuộc của người dân xứ Quảng thuở xưa, do được làm thủ công nên dù tồn tại suốt hàng chục năm, trăm năm vẫn không bị hư hỏng”.
Những chiếc nồi đồng lớn nhất còn gọi là nồi bung, có 4 tai, các loại nồi nhỏ chỉ có 2 tai. Tai của loại nồi bung lớn dùng để xỏ dây vào khiêng hoặc bắc lên bếp cho tiện. Nồi đồng “mẹ bồng con” là nồi đồng đặc biệt, ngoài 4 tai, người thợ đúc đồng còn gắn vào trên vành miệng 2 - 3 chiếc nồi thu nhỏ. Nồi đồng dùng để nấu bánh vào các dịp lễ, tết, đám cưới, đám hỏi...
Ông Long cho biết: “Tôi trưng bày bộ cồng chiêng, nồi đồng ở các gian phòng khách đến các tầng để mọi người có thể đến tham quan, mong rằng sẽ góp một phần của bản thân tham gia giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng, một loại hình nghệ thuật gắn liền lịch sử văn hóa các dân tộc thiểu số Quảng Ngãi và Tây Nguyên”.